Ngoài các Bộ trưởng Nội vụ của Nhóm G7 (bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức Italy, Nhật Bản và Mỹ) còn có Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos, Ủy viên châu Âu phụ trách an ninh Julian King, Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Jurgen Stock, cùng các đại diện của nhiều tập đoàn lớn về công nghệ như Google, Microsoft, Facebook và Twitter.
Các Bộ trưởng Nội vụ Nhóm G7 sẽ thảo luận với các đại diện Google, Microsoft, Facebook và Twitter nhằm đối phó với mối đe dọa lớn chưa từng có từ các phần tử cực đoan lợi dụng mạng Internet để hoạt động. Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti, người chủ trì hội nghị, nhấn mạnh Internet có ảnh hưởng quyết định tới hành vi cực đoan, với hơn 80% các cuộc trò chuyện và hành vi cực đoan diễn ra trên mạng.
Hội nghị trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi các tay súng đối lập ở Syria được Mỹ hỗ trợ giải phóng hoàn toàn thành phố Raqqa khỏi sự kiểm soát của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. Điều này làm dấy lên lo ngại các phần tử IS tại Syria cũng như Iraq sẽ trở về nước và tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti ước tính khoảng 25.000 – 30.000 tay súng nước ngoài từ 100 nước đã gia nhập IS. Một số phần tử đã bị tiêu diệt, trong khi những tay súng còn lại sẽ tìm cách trở về châu Âu và Bắc Phi.