Trước thềm cuộc bầu cử lại Quốc hội của Hy Lạp ngày 17/6, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Jean-Claude Juncker đã cảnh báo nước này không nên quay lưng lại với Eurozone và cho rằng một chiến thắng cho phe cánh tả cực đoan không ủng hộ cứu trợ sẽ gây ra hậu quả "không thể lường trước" cho liên minh tiền tệ này.
Đảng SYRIZA (Liên minh các lực lượng cực tả) đang bám sát Đảng Dân chủ Mới trước thềm cuộc bầu cử, có thể quyết định việc Hy Lạp có ở lại Eurozone hay không. Lãnh đạo đảng SYRIZA, ông Alexis Tsipras, đang đe dọa xóa bỏ các điều khoản trừng phạt của gói cứu trợ trị giá 130 tỷ ơrô (164,12 tỷ USD), nhằm giúp Hy Lạp khỏi bị phá sản.
Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trả lời phỏng vấn báo Kurier (Áo), ông Juncker cho biết nếu phe cánh tả cực đoan giành chiến thắng thì Hy Lạp có khả năng sẽ rời khỏi Eurozone và hậu quả cho liên minh tiền tệ là không thể lường trước được. Ngoài những hậu quả về kinh tế và xã hội đối với chính Hy Lạp, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ gây phương hại cho toàn bộ liên minh tiền tệ này.
Theo ông Juncker, dù phe nào chiến thắng thì lãnh đạo các nước châu Âu cũng sẽ phải nhanh chóng thảo luận với chính phủ mới của Hy Lạp về chương trình cải cách và tránh phải tiến hành một cuộc bầu cử thứ ba ở đất nước này.
Cuộc bầu cử lại Quốc hội Hy Lạp ngày 17/6 được châu Âu hết sức chú ý. Đươc biết, Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các bộ trưởng Tài chính khu vực đồng ơrô sẽ điện đàm để chuẩn bị đối phó khẩn cấp với những tác động tiêu cực của cuộc bầu cử Hy Lạp đối với thị trường.
Cử tri Hy lạp đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn, có hệ quả nghiêm trọng: Bầu cho Đảng SYRIZA với cam kết bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế, chủ trương chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng hay dồn phiếu cho hai đảng trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Mới và đảng Xã hội Pasok vốn ủng hộ các biện pháp kinh tế khắc khổ để được nhận sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế?
Khối eurozone hiểu rằng bất luận kết quả bầu cử thế nào, cam kết siết chặt ngân sách của chính phủ Hy Lạp với châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), để đổi lại các gói cứu trợ hàng trăm tỷ euro, cũng sẽ bị đưa ra đàm phán lại.
Hiện tại, quan điểm của các nước euro về khả năng đàm phán lại vẫn còn nhiều khác biệt. Đức, Hà Lan và Phần Lan kiên quyết không chấp nhận cho Hy Lạp sửa đổi cam kết. Một lập trường như vậy có nguy cơ khiến Hy Lạp rơi vào phá sản và sớm buộc phải rời khỏi Eurozone, khiến nhiều nước láng giềng bị ảnh hưởng dây chuyền. Để tránh thảm họa này, một số lãnh đạo châu Âu khác đang chuẩn bị kế hoạch nới hạn cho Hy Lạp.
Mỹ đánh giá tình hình Hy Lạp “rất phức tạp” nhưng Oasinhtơn hy vọng rằng người dân "Xứ sở của những câu chuyện Thần thoại" sẽ không bỏ đồng euro và châu Âu “sẽ cùng Hy Lạp tìm một con đường” phù hợp theo chiều hướng này.
Trung Quốc cũng lo ngại nếu châu Âu chìm sâu vào khủng hoảng. Bắc Kinh hiện giữ trong tay khoảng 500 tỷ đôla nợ công của châu Âu. Châu Âu cũng là thị trường số một tiêu thụ hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
TTXVN/ Tin Tức