Theo thỏa thuận mới, các Bộ trưởng tài chính các nước EU đã nhất trí mở rộng trách nhiệm của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) được ví như "lính cứu hỏa" đối với các nước Eurozone gặp khủng hoảng nợ công và ESM là giải pháp sau cùng mà các nước EU cầu viện trong trường hợp các ngân hàng lớn nhất châu Âu hứng chịu một cuộc khủng hoảng lớn. Ngoài ra, kế hoạch này còn gắn chặt với các quy định thúc đẩy cải cách để xử lý khủng hoảng tài chính, thay cho đề xuất thiết lập một ngân sách ứng phó khủng hoảng chung cho Eurozone như ý tưởng của Pháp và đã được Đức nhất trí.
Dự kiến, bộ trưởng các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này vào tháng 6/2019. Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này cần được lãnh đạo các nước EU "bật đèn xanh" tại Hội nghị thượng đỉnh của khối vào tuần sau.
Pháp và Đức, hiện chiếm khoảng 50% sản lượng kinh tế khu vực, được đánh giá là đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực cải cách Eurozone. Hồi tháng 6/2018, lãnh đạo 2 nước đã nhất trí xây dựng ngân sách chung của Khu vực đồng tiền chung châu Âu với nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đầu tư nội khối, cũng như sự hội tụ kinh tế giữa 19 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hà Lan và các quốc gia khác.