Bắt đầu diễn ra lúc 12h30 chiều theo giờ địa phương (1130 GMT), cuộc họp sẽ có sự tham dự lần đầu tiên của bà Janet Yellen trên cương vị Bộ trưởng Tài chính mới của Mỹ và được cho là sẽ bớt sự đối đầu hơn so với các đại diện trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump tại các cuộc họp trước.
Giáo sư kinh tế quốc tế Lucia Tajoli tại Trường kinh doanh Polytechnic của Milan cho rằng, với chính quyền mới của Mỹ, chắc chắn sẽ dễ đạt thỏa thuận hơn cho việc tăng viện trợ cho các nước nghèo. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về hợp tác quốc tế cởi mở hơn nhiều, sẽ không dễ huy động tiền hỗ trợ do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đến nhiều nước.
Ngày 25/2, Mỹ đã hối thúc các nước giàu trong G20 khởi động chiến dịch tiêm chủng phối hợp trên toàn cầu. Bà Yellen cho rằng nếu không tiếp cận được với vaccine, các nước thu nhập thấp sẽ hứng chịu những thiệt hại lớn hơn nữa về người và sự phục hồi kinh tế sẽ chậm không đáng có.
Trong thư gửi các quan chức tài chính ngày 25/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ sự ủng hộ một đợt phân bổ mới Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ các nước nghèo. Tuy nhiên, bà cho rằng cần những thông số chung để đảm bảo tính minh bạch về cách thức SDR được sử dụng và giao dịch.
Bộ trưởng Yellen cho rằng một đợt phân bổ mới SDR có thể giúp tăng cường khả năng thanh khoản cho các nước nghèo, cũng như hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế và nhu cầu y tế thiết yếu của họ. Bà cũng đặc biệt khuyến khích sử dụng SDR dư thừa để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế ở các nước nghèo, song song với việc tài trợ song phương.
Ngày 24/2, Tổng Giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, đã cảnh báo triển vọng phục hồi kinh tế khác biệt một cách nguy hiểm giữa các nước và các khu vực, chủ yếu do tốc độ tiêm vaccine chậm ở hầu hết các nước.
IMF dự báo GDP của toàn cầu tăng trưởng 5,5% trong năm nay và 4,2% trong năm tới.