Trong ngày 31/3, Italy - tâm dịch của châu Âu - đã ghi nhận thêm 4.023 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 12.428 trường hợp (tăng 837 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 15.729 trường hợp (tăng 1.109 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.
Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dịch COVID-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm, nhưng đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng thực hiện các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ. Trong ngày 31/3, cả nước Italy đã đồng loạt treo cờ rủ và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những người đã khuất do đại dịch COVID-19, cũng như để chia sẻ nỗi đau thương mất mát đối với các gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Trong khi đó, Tây Ban Nha - tâm dịch lớn thứ hai tại châu Âu - ngày 31/3 cũng đã công bố thêm 849 ca tử vong - mức cao kỷ lục được ghi nhận trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên con số 8.189. Nước này cũng ghi nhận thêm 9.222 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 94.417.
Nước Pháp cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 lên đến 499 người trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Pháp trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong do virus SARS-CoV-2, sau Italy và Tây Ban Nha, vượt Mỹ và Trung Quốc.
Với 705 ca tử vong đến ngày 31/3, Bỉ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 9 trên thế giới bởi đại dịch COVID-19. Trong số các bệnh nhân qua đời do mắc COVID-19 có một bé gái 12 tuổi. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở trẻ em do COVID-19 được ghi nhận tại Bỉ mặc dù vậy chính phủ nước này công bố dịch vẫn chưa đạt đỉnh.
Số liệu của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết tính đến 0h ngày 1/4 (theo giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 71.690 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 15.800 ca đã được điều trị khỏi và 774 ca tử vong. Bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 15.505 ca và 191 ca tử vong, tiếp đến là Nordrhein-Westfalen với 15.241 ca nhiễm và 148 ca tử vong; cùng Baden-Württemberg với 13.313 ca nhiễm, 196 ca tử vong. Hiện thủ đô Berlin đã ghi nhận 2.777 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Như vậy, chỉ trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận thêm trên 5.000 trường hợp nhiễm virus và khoảng 150 ca tử vong. Trong khi đó, theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, nước này mới chỉ ở "giai đoạn đầu" của dịch bệnh và đỉnh dịch vẫn ở phía trước, dù không cho biết cụ thể thời điểm.
Số ca tử vong trong ngày do dịch COVID-19 tại Anh đã tăng 27% theo số liệu thống kê công bố ngày 31/3. Cụ thể, Anh đã ghi nhận 1 ca tử vong trong ngày 30/3, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, qua đó nâng số ca tử vong tại các bệnh viện ở Anh lên 1.789 người. Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng con số tử vong do dịch, đồng thời cho biết hiện không thể dự đoán khi nào dịch COVID-19 tại Anh sẽ đạt đỉnh. Trong khi đó, đến cuối ngày 31/3, bệnh viện King's College tại London thông báo một bé trai 13 tuổi đã tử vong sau khi phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là ca tử vong nhỏ tuổi nhất do dịch COVID-19 tại Anh.
Chính phủ Hà Lan ngày 31/3 đã quyết định kéo dài các lệnh cấm nhằm ngăn cặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, đồng thời thông báo các trường học, nhà hàng và quán bar sẽ tiếp tục đóng cửa đến ít nhất ngày 28/4 tới. Hiện dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.039 người tại Hà Lan, trong khi số ca nhiễm mới đã tăng thêm 845 trường hợp theo thông báo vào sáng sớm 1/4 (theo giờ Việt Nam), nâng tổng số các ca nhiễm virus tại nước này lên 12.959 người.
Hồi tuần trước, Chính phủ Hà Lan cũng đã gia hạn lệnh cấm mọi hoạt động tụ tập xã hội cho đến ngày 1/4. Các trận đấu bóng đá thuộc giải quốc gia vô địch Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Tuy nhiên, lệnh cấm nói trên không giống các lệnh phong tỏa đang được áp dụng tại Italy, Tây Ban Nha, Pháp hoặc Bỉ. Thủ tướng Hà Lan cũng nhắc lại lời kêu gọi người dân chủ động làm việc ở nhà và không tập trung ngoài đường phố.
Còn tại Nga, trong phiên họp bất thường ngày 31/3, Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) đã thông qua dự luật cho phép chính phủ nước này áp đặt tình trạng khẩn cấp và chế độ cảnh báo cao trên toàn quốc hoặc các vùng riêng lẻ. Trước đó vài giờ, dự luật đã được Duma Quốc gia tức Hạ viện thông qua trong cả ba lần xem xét.
Dự luật trên được soạn thảo để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19. Trước đây, tình trạng khẩn cấp có thể do Tổng thống Nga áp đặt trong trường hợp khẩn cấp ở quy mô quốc gia, trong khi chính quyền khu vực và địa phương có quyền áp đặt ở một số vùng lãnh thổ. Với dự luật mới, chính phủ có thể thiết lập các quy tắc bắt buộc khi áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo cao. Chính phủ cũng có thể điều phối công việc của hệ thống nhà nước thống nhất để ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng khẩn cấp.
Văn kiện này quy định Nội các Nga có thể áp đặt chế độ đặc biệt trong cả nước hoặc ở các vùng riêng lẻ. Chính phủ có thể đưa ra các quy định ứng xử bắt buộc đối với công dân trong tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, Chính phủ có quyền hạn chế bán một số thiết bị y tế nhất định trong 3 tháng, cũng như ra lệnh cấm phá sản. Văn kiện cũng đưa ra cơ chế đóng góp cho quỹ trách nhiệm cá nhân của các công ty lữ hành và sử dụng quĩ này để trả lại tiền cho du khách bị hủy tour du lịch do bị chính phủ hạn chế. Chính phủ cũng được trao thêm quyền mua sắm công từ một nhà cung cấp duy nhất, cũng như khả năng thay đổi thời hạn của hợp đồng, trong trường hợp bị đại dịch tác động.