Đoàn xe cứu hộ chờ đợi tại khu vực Wafidin, Syria ngày 28/2 để sơ tán người dân. Ảnh: THX/TTXVN |
Khoản viện trợ cam kết này thấp hơn so với mức 6 tỷ USD đưa ra tại hội nghị tương tự hồi năm ngoái cũng như mức mục tiêu 9 tỷ USD mà Liên hợp quốc cho rằng cần để cứu trợ người dân ở Syria và những người tị nạn sang các nước láng giềng.
Đây là hội nghị quốc tế lần thứ bảy về tương lai của Syria, kể từ khi nội chiến bùng phát năm 2011, và lần thứ hai hội nghị được tổ chức tại Brussels với sự tham gia của hơn 80 nước trên thế giới cùng các cơ quan và tổ chức viện trợ quốc tế, nhằm huy động hàng tỷ USD để cứu trợ khẩn cấp cho hơn 11 triệu người Syria phải tị nạn vì chiến tranh, ở trong nước cũng như ở nước ngoài.
Người đứng đầu Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc Liên hợp quốc (UNOCHA) Mark Lowcock nhận định, đây là một "khởi đầu tốt". Trong khi đó, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách viện trợ nhân đạo Christos Stylianides cho biết, cũng tại hội nghị, các nhà tài trợ quốc tế cam kết viện trợ thêm 3,4 tỷ USD trong năm 2019 và các năm sau đó. Cụ thể, Anh công bố khoản viện trợ trị giá 630 triệu USD cho năm 2018 và 418 triệu USD cho năm 2019, trong khi Đức cam kết viện trợ 1,2 tỷ USD và EU hơn 2 triệu USD. Nhưng một số nước viện trợ hàng đầu, trong đó có Mỹ, hiện vẫn chưa khẳng định cam kết viện trợ của họ do những tranh luận nội bộ về ngân sách tài chính trong nước.
Tuy nhiên, tổ chức Oxfam cho rằng phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước giàu, đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria là "không đầy đủ". Bản thân UNOCHA cũng thừa nhận Liên hợp quốc đang gặp khó khăn tài chính và có thể phải cắt giảm một số chương trình nếu không đủ ngân sách. Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo nếu không được bổ sung tài chính, cơ quan này sẽ buộc phải cắt giảm khẩu phần các suất ăn viện trợ ở mức đủ để "duy trì sự sống".
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Ursula Mueller nêu rõ trong số 13,1 triệu người cần cứu trợ có 5,6 triệu người cần được cứu trợ khẩn cấp. Các vụ tấn công nhằm vào dân thường và hạ tầng dân sự cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi xung đột bùng phát cách đây 7 năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có 72 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở y tế, so với tổng số 112 vụ trong cả năm 2017. Trong khi đó, nỗ lực cứu trợ nhân đạo bị hạn chế khi đến nay chỉ có 5 phái bộ được triển khai.
Theo thống kê của Liên hợp quốc hơn 7 năm chiến tranh ở Syria đã khiến 6,1 triệu người mất chỗ ở và 5 triệu người rời bỏ đất nước đi lánh nạn.