Các chính đảng Hàn Quốc bị chia rẽ trước kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 27/4, đảng Dân chủ cầm quyền theo đường lối tự do của Hàn Quốc đã gọi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là một “tuyên bố mang tính lịch sử mở đường hướng tới hòa bình và làm dịu tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong cuộc họp báo công bố Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Đảng Dân chủ nhận định bản tuyên bố đã tích hợp các kế hoạch hành động cụ thể đối với mọi mục của chương trình nghị sự chính mà hai miền Triều Tiên sẽ phải thực hiện trong thời gian tới.

Trong khi đó, đảng Bareunmirae thuộc phe đối lập thì đặc biệt ghi nhận cụm từ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” Bán đảo Triều Tiên được nói rõ trong bản tuyên bố chung, đồng thời nhắc lại lập trường rằng cần phải có thêm những nỗ lực rõ ràng của Bình Nhưỡng trong tiến trình thực hiện phi hạt nhân hóa. Về phần mình, đảng Dân chủ và Hòa bình cũng như đảng Công lý theo đường lối cấp tiến đã hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh vừa kết thúc.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính tại Hàn Quốc lại phê phán tuyên bố chung của hai miền Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh là một "trò đùa chính trị nhân danh hòa bình".

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đánh giá diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên sẽ có tác động tốt đến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này. Một quan chức cấp cao của BOK cho biết tuyên bố chung của hai miền lạc quan hơn nhiều so với dự đoán của thị trường và đây là một nhân tố tích cực đến nền kinh tế Hàn Quốc trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, thị trường Hàn Quốc sẽ không có chuyển biến đáng kể do đã dự báo được phần nào kết quả hội nghị.

Trong khi đó, các doanh nhân Hàn Quốc, từng có nhà máy hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong nằm trên lãnh thổ của Triều Tiên và hiện bị đóng cửa, đã hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, đồng thời bày tỏ hy vọng cơ sở này sẽ được mở lại trong thời gian tới.

Sau khi tuyên bố chung của hội nghị được công bố, nhóm đại diện của các doanh nhân này ra tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi rất chú ý tới thỏa thuận của hai bên về việc thiết lập văn phòng liên lạc thường trực chung tại Kaesong với sự hiện diện của quan chức thuộc cả hai bên, cũng như tới kế hoạch sử dụng các tuyến đường sắt Gyeongui và các tuyến đường khác… Tiếp theo tuyên bố của hai nhà lãnh đạo, chúng tôi tin tưởng rằng khu công nghiệp chung Kaesong sẽ sớm nối lại hoạt động”.

Khu công nghiệp Kaesong được mở năm 2004 như là một biểu tượng chính của sự hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên, kết hợp công nghệ và nguồn vốn của Hàn Quốc với nhân công của Triều Tiên.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đã rút khỏi đây vào tháng 2/2016 để đáp trả việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và phóng tên lửa tầm xa. Các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Kaesong cho biết việc đóng cửa khu công nghiệp này đã làm họ thiệt hại 1.500 tỷ won (tương đương 1,3 tỷ USD), nhưng Chính phủ Hàn Quốc đánh giá mức độ thiệt hại chỉ vào khoảng 786 tỷ won.

TTXVN/Báo Tin tức
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ra 'Tuyên bố chung Panmunjom'
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ra 'Tuyên bố chung Panmunjom'

Chiều 27/4, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khép lại sau khi hai bên ra “Tuyên bố chung Panmunjom”, một tuyên bố lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN