Theo ông Ryabkov, lời đề nghị của Mỹ được đưa ra không chính thức. Nhà ngoại giao này khẳng định phía Nga sẽ nghiên cứu các đề xuất nhằm nối lại đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân này, nhưng sẽ không chấp nhận trừ khi Washington từ bỏ lập trường "thù địch" đối với Moskva.
Mỹ và Nga thường xuyên kiểm tra các cơ sở hạt nhân của nhau và hạn chế đầu đạn theo cơ sở Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Nhưng New START - hiệp ước vũ khí hạt nhân song phương cuối cùng còn sót lại giữa Washington và Moskva - sẽ hết hạn vào tháng 2/2026, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên không có dấu hiệu cải thiện.
Giới quan sát nhận định khả năng hai bên nối lại đối thoại là chưa rõ ràng vì Nga và Mỹ có quan điểm rất khác nhau.
Ông Oleg Krivolapov, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Mỹ - Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Mỹ mong muốn dần dần ổn định hình thức quan hệ chiến lược song phương.
Trong khi đó, Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng thảo luận về các sáng kiến này, nhưng chỉ khi Mỹ đề xuất điều gì đó thực chất hơn là tham vấn. Ông Krivolapov cho rằng vấn đề xem xét lại cấu trúc an ninh ở châu Âu có thể là một trong số những đề xuất như vậy.
Về phần mình, chuyên gia Dmitry Stefanovich tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) của Viện Khoa học Nga, tin rằng trên thực tế lời đề nghị của Mỹ có thể được hiểu theo hướng tích cực.
Việc những đề xuất đó cần thời gian dài để chuẩn bị như vậy đã cho thấy khoảng cách sâu sắc giữa Nga - Mỹ về các vấn đề chiến lược. Và do đó, theo ông Stefanovich, phản ứng của phía Nga đang được mong đợi. Bởi lẽ, các điều kiện hiện nay khó có lợi để Moskva và Washington nối lại một cuộc đối thoại sâu sắc trong lĩnh vực này.