Ukraine đã chính thức nộp đơn để trở thành thành viên EU vào ngày 28/2, bốn ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến đưa ra quyết định về việc có trao cho Kiev tư cách ứng cử viên hay không tại hội nghị thượng đỉnh của khối này vào ngày 23-24/6. Cần đạt được sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên để quy chế trên được công nhận.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NRK (Na Uy), Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oslo, ông Jarle Trondal cho rằng để gia nhập EU, một quốc gia phải có nền dân chủ hoàn thiện, pháp quyền và thị trường tự do. Tuy nhiên, Ukraine đã không thể hiện được các yếu tố trên.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu về Ukraine Jorn Holm-Hansen tại Đại học Oslo Metropolitan lại chỉ ra trở ngại đầu tiên trên con đường gia nhập EU của Ukraine chính là nạn tham nhũng lan rộng. Ông giải thích rằng về khía cạnh này, tình hình ở Ukraine còn tồi tệ hơn cả những nước tham nhũng nhất của EU. Theo Chỉ số cảm nhận về tham nhũng của Tổ chức Ân xá Quốc tế, điểm số năm 2021 của Ukraine đã giảm 1 điểm so với năm trước và hiện ở mức 32 trên thang điểm 100. Bulgaria, quốc gia tham nhũng nhất trong EU, có số điểm là 42.
Nhà nghiên cứu Holm-Hansen khẳng định các vấn đề về pháp quyền và dân chủ là lý do thứ hai khiến Kiev không nên kỳ vọng có thể gia nhập EU nhanh chóng. Chỉ số Dân chủ do doanh nghiệp Economist Intelligence Unit biên soạn đã phân loại Ukraine là một "chế độ lai". Định nghĩa này áp dụng cho các quốc gia thường xuyên có gian lận bầu cử, gây áp lực lên phe chính trị đối lập và các yếu tố khác khiến họ không được coi là các nền dân chủ toàn diện.
Ông Holm-Hansen nói thêm: “Các nhà tài phiệt, các chủ sở hữu vốn lớn thường có quyền kiểm soát kinh tế và chính trị rất lớn”. Nhà nghiên cứu này coi đây là trở ngại thứ ba trên con đường gia nhập EU của Ukraine.
Trong khi đó, vấn nạn nghèo đói, chiến tranh và chủ nghĩa dân tộc được tiết lộ là trở ngại thứ tư. Ông Jorn Holm-Hansen từng viết trên trang web Worlddata.info rằng mức lương trung bình ở Ukraine chưa bằng một nửa ở quốc gia nghèo nhất EU là Bulgaria.
Theo ông Trondal, tình hình bất ổn do căng thẳng kéo dài 8 năm qua mà đỉnh điểm là cuộc xung đột hiện tại với Nga khiến việc Kiev gia nhập EU là một điều bất khả thi về mặt chính trị.
Lý do cuối cùng khiến Ukraine có thể sẽ phải chờ đợi để trở thành thành viên EU là do một số quốc gia EU khác, đặc biệt là Đức, tin rằng việc Kiev “nhảy cóc” sẽ không công bằng đối với các ứng cử viên như Bắc Macedonia và Montenegro - những quốc gia đã chờ đợi nhiều năm để gia nhập.
“Ukraine có thể đạt được vị thế ứng cử viên nhưng có lẽ sẽ phải trải qua một quá trình lâu dài để từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên”, ông Jarle Trondal nói.
Sau khi nộp đơn đăng ký trở thành thành viên EU, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi ban lãnh đạo EU ngay lập tức hợp nhất của đất nước mình vào khối 27 quốc gia thành viên này. Ông cảnh báo: “Nếu không có các bạn, Ukraine sẽ bị xóa sổ”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã hứa với Tổng thống Zelensky rằng việc quyết định tư cách thành viên cho Kiev sẽ chỉ mất vài tuần thay vì nhiều năm như thông thường.
Tuy nhiên, quan điểm phản đối của một số nước lớn trong EU đã cho thấy quá trình gia nhập của Kiev sẽ mất nhiều thời gian. Bộ trưởng Các vấn đề EU của Áo Karoline Edtstadler dự đoán Ukraine không thể gia nhập khối trong vòng 5 đến 10 năm tới.
Hồi tháng 5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý rằng Ukraine có thể trở thành một phần của "cộng đồng chính trị châu Âu" ở thời điểm hiện tại, đồng thời lưu ý rằng việc Kiev gia nhập EU trên thực tế có thể mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ.