Tăng trưởng tiềm năng, hay Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiềm năng, là ước tính về sản lượng mà nền kinh tế có thể tạo ra bằng lao động và vốn ở mức bền vững tối đa mà không gây ra lạm phát. Các yếu tố xác định con số hàng năm bao gồm sự tham gia của lực lượng lao động, vốn dự trữ và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Tăng trưởng TFP được sử dụng để giải thích sản lượng không do lao động và vốn đóng góp.
Phát biểu với báo giới mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol cho biết tăng trưởng tiềm năng trung bình của Hàn Quốc giai đoạn 2021-2022 có khả năng giảm xuống 2%, chủ yếu là do sự gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, một thị trường lao động yếu và năng suất giảm sút. Ông nhấn mạnh thêm rằng chỉ số tăng trưởng cho giai đoạn 2019-2020 đã giảm còn 2,2% (từ khoảng 2,5 đến 2,6% của mức dự báo hồi tháng 8/2019).
Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia xác định do ảnh hưởng nặng nề từ việc cắt giảm hoặc mất hoàn toàn việc làm cũng như giảm năng suất lao động tổng thể trong các ngành dịch vụ. Ngoài ra, yếu tố dân số già hóa nhanh từ lâu cũng là một nguyên nhân khác khiến thị trường lao động ở Hàn Quốc mất dần sức sống và điều này đang làm gia tăng lo ngại rằng việc giảm cả đầu vào lao động và đầu tư của doanh nghiệp do khủng hoảng sức khỏe cộng đồng sẽ làm suy yếu đáng kể triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng do nguồn vốn và lao động đã gần đạt đến giới hạn nên TFP cần được củng cố thông qua các đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó cần nhanh chóng loại bỏ các rào cản pháp lý và thiết lập nguồn vốn xã hội bao gồm các giao thức tuân thủ và niềm tin kinh doanh. Đây chính là một môi trường quan trọng để duy trì các hoạt động của công ty vốn luôn được xem là động lực duy nhất làm nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn của một quốc gia.
Trong một thông báo gần đây, BoK cho rằng việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc là ở mức vừa phải bởi hiện có 8 quốc gia (trong đó có Nhật Bản và Đức) đã điều chỉnh số liệu của họ tới 3,6 điểm phần trăm. Tuy nhiên, một đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lại cho rằng Hàn Quốc ở trong nhóm nước thành viên có sản lượng tiềm năng giảm với tốc độ nhanh nhất.
Theo OECD, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc đã hạ xuống còn 2,5% vào năm 2020, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó. Bất chấp yếu tố đại dịch COVID-19, con số này không có khả năng cải thiện trong năm nay hoặc năm 2022 trừ khi tỷ lệ sinh của Hàn Quốc có sự cải thiện rõ rệt hoặc đầu tư của doanh nghiệp dẫn đến sự đổi mới mang tính đột phá.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong một báo cáo công bố hồi tháng Ba vừa qua rằng áp lực giảm dự kiến đối với tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Hàn Quốc "nhấn mạnh đến tính cấp thiết của vấn đề cải cách cơ cấu để có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới". Theo đó, một kịch bản minh họa cho thấy những lợi ích có thể đạt được từ cải cách cơ cấu sẽ "đủ để nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn lên khoảng nửa điểm phần trăm mỗi năm".
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Choo Kwang-ho của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc (KERI) lại cho rằng sự gia tăng cần thiết trong tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ không thành hiện thực trừ khi các nghiệp đoàn của Hàn Quốc đồng ý giảm đáng kể quyền thương lượng và đặc quyền của họ ở một quốc gia nơi các doanh nghiệp không có nhiều lựa chọn ngoài việc tuân theo yêu cầu của người lao động.