Theo phóng viên TTXVN tại Paris, chịu nhiều áp lực nhất có lẽ là vùng thủ đô Ile-de-France, nơi từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự cho các ngành nghề. Cuộc khủng hoảng COVID-19 càng khiến việc tuyển dụng khó khăn hơn, đặc biệt đối với ngành chăm sóc y tế. Ở các bệnh viện công lẫn tư, các khoa như khoa nhi, thần kinh, ung thư, tâm thần hay lão khoa đều thiếu y tá trầm trọng.
Tại cơ sở y tế công AP-HP (Trung tâm bệnh viện đại học vùng thủ đô), theo số liệu tổng hợp vào đầu tháng 9, số y tá phục vụ chưa tới 520 người, giảm mạnh so với 1 năm trước. AP-HP đã có những đợt tuyển gấp nhân sự trong tháng 9 nhưng vẫn không thể lấp đầy 820 vị trí còn trống. Kết quả là hàng loạt dịch vụ chăm sóc bị ảnh hưởng, 18% số giường không được khai thác sau kỳ nghỉ Hè. Đặc biệt đối với ca đêm, chỉ cần thiếu một vài nhân sự cũng gây cản trở trong việc tiếp nhận thêm bệnh nhân nội trú.
Cách đấy không xa, tại Viện tương tế Montsouris vốn rất “khá giả” ở Paris thời kỳ chưa có dịch COVID-19, có tới một nửa số giường nội khoa không nhận bệnh nhân kể từ sau kỳ nghỉ, làm ảnh hưởng tới 30% năng lực của bệnh viện. Bác sĩ nội trú Julie Cosserat cho biết khoa của bà vốn có 8 y tá thường xuyên làm việc, nay chỉ còn 2. Nếu không có sự trợ giúp tạm thời từ bên ngoài, khoa này có thể chỉ hoạt động cầm chừng trong những ngày này.
Các khoa phẫu thuật được coi là nơi chịu nhiều áp lực nhất sau những tháng dài đóng cửa hoặc cầm chừng vì đại dịch. Giáo sư Jean-Luc Jouve, người đứng đầu AP-HM (Trung tâm bệnh viện đại học Marseille) chia sẻ: “Chúng tôi vẫn còn nhiều phòng mổ phải ngừng hoạt động, chẳng hạn như 2/7 phòng của khoa nhi. Đây là điều rất tồi tệ so với bình thường, lý do chỉ vì thiếu người chăm sóc bệnh nhân. AP-HM hiện vẫn phải chăm sóc khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19”.
Theo Nghiệp đoàn nghề nghiệp y tá quốc gia Pháp (SNPI), trong mùa hè vừa qua, đặc biệt những tuần gần đây, nhiều y tá đã nghỉ việc và gia nhập thị trường tự do, thay đổi nghề nghiệp, trong khi một số người lại xin tạm nghỉ việc. Điều này làm tăng khối lượng công việc cho các nhân viên ở lại, cũng như ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Trong khi đó, việc tuyển dụng lại gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, năm 2019, các trường đào tạo y tá tại Pháp đã bỏ kỳ thi đầu vào và tuyển sinh qua hồ sơ, kéo theo đó là sự bùng nổ thí sinh đăng ký cho các khóa học 3 năm. Mùa hè năm 2020, 320 cơ sở đào tạo y tá trên cả nước được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Những biện pháp này là một phần trong nỗ lực bù lấp cho tình trạng thiếu hụt trầm trọng các vị trí việc làm tại các cơ sở y tế hiện nay ở Pháp.