Ngày 28/11, đội tìm kiếm và cứu nạn Ấn Độ đã giải cứu được toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt bên trong đoạn đường hầm cao tốc bị sập. Trong 17 ngày, giới chức Ấn Độ đã triển khai nhiều phương án giải cứu các nạn nhân, nhưng gặp khó khăn do điều kiện địa hình và thời tiết. Ngày 27/11, họ phải áp dụng phương pháp "đào hang chuột", sử dụng máy khoan thủ công để tạo lối mở qua những mét đất đá cuối cùng tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt.
Hầu hết công nhân bị mắc kẹt là lao động di cư. Khi sự cố xảy ra, họ đang thi công đường hầm Silkyara ở bang Uttarakhand, cách quê hương hàng trăm km.
Một trong 41 công nhân được giải cứu, anh Deepak Kumar ngày 29/11 chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp): “Chúng tôi thực sự sợ hãi, mỗi giây phút đều có cảm giác như cái chết đang kề cận. Chúng tôi không chắc liệu có được cứu hay không”.
Công nhân Chamra Oraon (32 tuổi) đến từ bang Jharkhand lại hồi tưởng về nỗi kinh hoàng mà anh cảm thấy khi nghe thấy tiếng động và các mảnh vụn bắt đầu rơi bên trong đường hầm ngày 12/11 với hàng tấn đá chặn lối thoát duy nhất . “Khi nhận ra rằng sẽ phải ở đó trong một thời gian dài, chúng tôi trở nên bồn chồn, đói khát. Nhưng chúng tôi thầm cầu nguyện để được giúp đỡ", anh nói với tờ Indian Express.
Công nhân Subodh Kumar Verma nói với AFP rằng 24 giờ đầu tiên trong đường hầm là tồi tệ nhất, bởi họ lo sợ hết không khí và chết đói. Verma kể: “Chúng tôi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thực phẩm và không khí trong 24 giờ đầu ở đó”.
Nhưng tinh thần các công nhân đã khá hơn sau khi đội cứu hộ nối một đường ống mỏng để đưa oxy vào. Thức ăn cũng được chuyển vào bên trong hầm. Ban đầu chỉ là những gói nhỏ đựng gạo phồng và các loại hạt, nhưng vài ngày sau, ống được nới rộng để có thể đưa những suất đậu lăng và cơm đóng trong chai nhựa. Verma cho biết: “Sau khi thực phẩm được gửi qua đường ống, mọi thứ cải thiện”.
Dưới đây là video các công nhân Ấn Độ được đưa lên trực thăng tới bệnh viện sau giải cứu (nguồn: AFP):
Trong quá trình đợi chờ cứu hộ, các công nhân thường chơi trò chơi trên điện thoại bởi vẫn còn điện để sạc pin. Công nhân Oraon bổ sung: “Chúng tôi còn nói chuyện để hiểu hơn về nhau”. Mặc dù bị mắc kẹt, những công nhân này vẫn có nhiều không gian trong đường hầm, với khu vực bên trong cao 8,5 m và kéo dài khoảng 2 km.
Đội cứu hộ còn thiết lập một hệ thống điện thoại để các gia đình ở xa có thể liên lạc với công nhân. Kumar kể lại: “Tôi đã nói với gia đình rằng: ‘Con ổn và khỏe mạnh, đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ ổn thôi, chúng con sẽ sớm ra ngoài’. Nhưng khi nói những lời này với họ, đôi lúc tôi có cảm giác mình sẽ không bao giờ được gặp lại bố mẹ nữa”.
Trong khi đó, công nhân Sabah Ahmad lại miêu tả với AFP rằng anh rất đau lòng khi nghe thấy giọng nói lo lắng và tuyệt vọng của vợ. Công nhân quê ở bang Bihar này bộc bạch: “Tôi biết rằng đó là thời gian nhiều trở ngại của những người mắc kẹt nhưng với gia đình họ ở bên ngoài thì nó càng khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi đã được giải cứu, và đó là điều quan trọng”. Sabah Ahmad nói về thời điểm được đưa ra khỏi đường hầm: “Thế giới lại một lần nữa tuyệt đẹp với chúng tôi”.
Vợ của Sabah Ahmad, cô Musarrat Jahan chia sẻ với AFP qua điện thoại, nói rằng cô không thể diễn tả bằng lời về cảm giác vui mừng hiện tại. Cô tâm sự: “Không chỉ chồng tôi có cuộc đời mới mà chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này”.