Hiện cựu tỷ phú 31 tuổi này đang phải đối mặt với cáo trạng gồm 13 tội danh liên quan vụ sụp đổ của FTX hồi tháng 11/2022. Theo dự kiến, ông Bankman-Fried sẽ bị cáo buộc tội danh mới vào ngày 30/3 trước thẩm phán Lewis Kaplan tại Tòa án liên bang ở Manhattan. Các nguồn thạo tin cho biết ông Bankman-Fried sẽ phủ nhận tội danh mới này.
Theo bản cáo trạng mới nhất, Bankman-Fried đã chỉ đạo chuyển 40 triệu USD tiền kỹ thuật số vào một ví riêng từ tài khoản thương mại chính của quỹ đầu tư tiền kỹ thuật số Alameda Research, nhằm thuyết phục giới chức Trung Quốc gỡ bỏ phong tỏa các tài khoản của Alameda với hơn 1 tỷ USD tiền kỹ thuật số. Các công tố viên cho biết các tài khoản của Alameda trước đó đã bị phong tỏa trong khuôn khổ cuộc điều tra đối với một bên đối tác, do đó ý định của ông Bankman-Fried tìm cách dỡ bỏ phong tỏa không thành công. Vào khoảng tháng 11/2021, ông Bankman-Fried đã cho phép chuyển thêm hàng chục triệu USD tiền kỹ thuật số để "hoàn tất" việc hối lộ.
FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Sam Bankman-Fried từ chức Giám đốc điều hành (CEO) của FTX. Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số từng lớn thứ hai thế giới này đã sụp đổ nhanh chóng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại. Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện nhiều chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ đầu tư tiền điện tử Alameda Research. Đồng thời, sàn tiền điện tử này cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.
Ông Bankman-Fried đã phủ nhận 8 trong số 13 tội danh bị cáo buộc. Mặc dù thừa nhận quản lý rủi ro không hợp lý tại FTX, song nhà sáng lập sàn giao dịch điện tử này phủ nhận chiếm dụng tiền. Trong khi đó, 3 người thân cận với ông Bankman-Fried là CEO Alameda Caroline Ellison, cựu Giám đốc công nghệ FTX Zixiao "Gary" Wang, và cựu giám đốc kỹ thuật FTX Nishad Singh đã nhận tội và đồng ý hợp tác với các công tố viên.