Trong bối cảnh một số quốc gia khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhiều người đã mơ về một ngày họ có thể tự do đi lại, mua sắm và xem phim ở ngoài. Tuy nhiên, để thực hiện những hoạt động ở nơi công cộng, bên cạnh vaccine ngừa COVID-19, rất có thể mọi người về sau sẽ cần một thứ khác để chứng minh bản thân an toàn: đó là ứng dụng hộ chiếu vaccine.
Theo kênh CNN, một vài công ty và tổ chức công nghệ đã rục rịch phát triển các ứng dụng hoặc hệ thống trên điện thoại thông minh để các cá nhân có quyền đăng tải thông tin chi tiết về xét nghiệm và việc tiêm chủng ngừa COVID-19 của bản thân, từ đó tạo ra một mã kỹ thuật số dùng để vào các địa điểm công cộng như sân vận động, rạp chiếu phim, văn phòng hoặc thậm chí là sang các quốc gia khác.
Common Trust Network, một sáng kiến do tổ chức phi lợi nhuận Dự án Commons có trụ sở tại Geneva và Diễn đàn Kinh tế Thế giới đồng phát triển, đã hợp tác với một số hãng hàng không bao gồm Cathay Pacific, JetBlue, Lufthansa, Swiss Airlines, United Airlines và Virgin Atlantic, cũng như hàng trăm hệ thống y tế trên khắp nước Mỹ.
Ứng dụng CommonPass của tổ chức này cho phép người dùng tải lên dữ liệu y tế như kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã tiêm chủng của bệnh viện, từ đó tạo giấy chứng nhận sức khỏe số hoặc thông qua dưới dạng mã QR hiển thị cho cơ quan chức năng mà không tiết lộ thông tin nhạy cảm. Ông Thomas Crampton – trưởng bộ phận tiếp thị của Dự án Commons – nhấn mạnh tính cần thiết của loại ứng dụng này vì người dùng có thể sử dụng nó như một “tấm thẻ vàng kỹ thuật số”.
Các công ty công nghệ lớn khác cũng đang vào cuộc. IBM đã phát triển ứng dụng Digital Health Pass, cho phép các công ty và địa điểm công cộng tùy chỉnh các chỉ số mà họ yêu cầu đối với người muốn vào khu vực, bao gồm xét nghiệm COVID-19, nhiệt độ cơ thể và hồ sơ tiêm chủng. Thông tin xác thực tương ứng với các chỉ số đó được lưu trữ trong ví điện thoại di động.
Tuy nhiên, trong nỗ lực giải quyết một thách thức xung quanh việc trở lại trạng thái bình thường sau khi vaccine được phân phối rộng rãi, các nhà phát triển có thể phải đối mặt với những thách thức khác, như các vấn đề về quyền riêng tư hay hiệu quả khác nhau của các loại vaccine khác nhau.
Một khi các công ty xây dựng hộ chiếu vaccine, họ sẽ cần đảm bảo mọi người cảm thấy thoải mái khi sử dụng nó. Điều đó có nghĩa là phải đối mặt với những lo ngại về việc xử lý thông tin y tế cá nhân.
CommonPass, IBM và Linux Foundation đều nhấn mạnh quyền riêng tư là trọng tâm trong các sáng kiến của họ. IBM cho biết họ cho phép người dùng kiểm soát và chọn mức độ chi tiết về tình hình sức khỏe mà họ muốn cung cấp cho các cơ quan chức năng.
"Sự tin cậy và tính minh bạch vẫn là điều tối quan trọng khi phát triển một nền tảng như hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số hoặc bất kỳ giải pháp nào xử lý thông tin cá nhân nhạy cảm. Đặt quyền riêng tư lên hàng đầu là một ưu tiên quan trọng để quản lý và phân tích dữ liệu trước những thời điểm phức tạp này", IBM cho biết trong một bài đăng trên blog.
Với vaccine được nhiều công ty ở các quốc gia sản xuất và đang các giai đoạn phát triển khác nhau, có nhiều biến số mà các nhà sản xuất hộ chiếu vaccine cần tính đến.
"Một điểm nhập cảnh sẽ muốn biết bạn đã tiêm vaccine của Pfizer chưa, bạn đã tiêm vaccine Nga chưa, bạn đã tiêm vaccine Trung Quốc chưa, để họ có thể đưa ra quyết định. Sự khác biệt có thể rất chênh lệch: ví dụ như vaccine do tập đoàn dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm phát triển có hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 86%, trong khi vaccine do Pfizer và Moderna sản xuất đều có hiệu quả lên đến 95%”, ông Thomas Crampton cho hay.
Tiến sĩ Julie Parsonnet, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết cũng chưa rõ hiệu quả của vaccine trong việc ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2. Vì vậy, mặc dù ứng dụng hộ chiếu vaccine sẽ hiển thị rằng bạn đã được tiêm chủng, nhưng nó có thể không phải là sự đảm bảo rằng bạn tham dự một sự kiện hoặc lên chuyến bay một cách an toàn.
“Chúng ta vẫn chưa biết liệu những người được tiêm chủng có thể truyền bệnh hay không. Cho đến khi điều đó được làm rõ, chúng ta sẽ không biết liệu 'hộ chiếu vaccine’ có hiệu quả hay không”, bà Parsonnet kết luận.