Theo báo cáo, InfluenceMap đã phân tích các quảng cáo sản phẩm và tuyên bố của các công ty dầu khí Mỹ trong những tuần trước và sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Phân tích cho thấy các công ty này đã truyền bá thông điệp sai lệch rằng các chính sách chống biến đổi khí hậu của Mỹ là nguyên nhân làm tăng giá năng lượng, do đó giải pháp cho vấn đề này là tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt ở Mỹ.
InfluenceMap cho rằng ngành dầu khí Mỹ đã lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh các nước phương Tây tìm kiếm những lựa chọn thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga. Cụ thể, các công ty dầu khí Mỹ đã liên tục kêu gọi chính phủ áp dụng trở lại chính sách tăng sản lượng dầu mỏ và khí đốt, bất chấp thực tế là hoạt động này gây ra tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo InfluenceMap, Viện Dầu khí Mỹ (API) - tổ chức vận động hành lang gồm nhiều công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch, là một trong những tổ chức đưa ra nhiều tuyên bố và quảng cáo sai lệch nhất. Trong những tuần trước và sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, số lượng quảng cáo các loại nhiên liệu sản xuất tại Mỹ và tuyên truyền về sự độc lập năng lượng của Mỹ đã gia tăng trên các tài khoản Facebook thuộc API. Trong số đó có những quảng cáo thu hút gần 20 triệu lượt xem.
InfluenceMap cũng phân tích các tuyên bố của các giám đốc điều hành công ty dầu khí Mỹ, theo đó một số người công khai chỉ trích các chính sách chống biến đổi khí hậu của chính phủ hoặc thúc đẩy sản xuất năng lượng tại Mỹ, coi đây là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ngày 8/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Động thái này dẫn tới giá năng lượng tăng vọt. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khi đó cho rằng biến động giá năng lượng trong năm 2022 do nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.