Trụ sở công ty điện tử Aixtron ở Herzogenrath, Đức dang được công ty Trung Quốc muốn thấu tóm. Ảnh:AP/TTXVN |
Theo số liệu của Thomson Reuters, giá trị các vụ M&A của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đạt 7,1 tỷ USD tính đến thời điểm này của năm nay, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và nhiều khả năng cả năm sẽ vượt mức 46 tỷ USD của năm 2016, trong khi giá trị các thỏa thuận mà các công ty Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài giảm hơn 40%, xuống 8,4 tỷ USD. Các thỏa thuận trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng chiếm gần một nửa số giao dịch đầu năm, vượt xa lĩnh vực bất động sản và tài chính thường áp đảo trong hoạt động M&A hướng vào Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng nền kinh tế, từ tăng trưởng dựa vào phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp nặng và xuất khẩu hướng đến tiêu dùng trong nước. Đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc dù được chào đón nhưng vẫn gặp phải những trở ngại. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm một số khu thương mại tự do, tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã mở rộng chương trình tự do hóa trên cả nước. Trừ các ngành quá nhạy cảm, đầu tư nước ngoài không cần phải qua một quy trình phê duyệt phiền hà và thậm chí, danh sách những lĩnh vực bị cấm cũng phần nào được nới lỏng.
Theo đối tác về M&A tại hãng luật Baker McKenzie, Tracy Wut, hướng đi của Trung Quốc là, với hầu hết các lĩnh vực không nằm trong danh sách hạn chế, quy trình thành lập doanh nghiệp và những thay đổi, bao gồm việc chuyển đổi cổ phiếu, sẽ đơn giản hơn. Ông này cho rằng, trong một số lĩnh vực nhất định, các quy định sẽ được nới lỏng hơn để khuyến khích đầu tư nước ngoài.