Hơn hai tháng biểu tình ở Hong Kong đang bắt đầu gây thiệt hại cho một số công ty toàn cầu, làm gia tăng thêm mối lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong vài tuần qua, các nhóm quản lý tại một loạt công ty đa quốc gia đã thực hiện nhiều cuộc gọi từ Hong Kong để cảnh báo về những hậu quả nặng nề, bao gồm mất doanh thu và cản trở đầu tư kinh doanh, nếu biểu tình leo thang. Nhiều công ty trong số này đã cảm nhận được sức nóng từ cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một đồng Nhân dân tệ xuống giá mạnh.
Tuần này, biểu tình trái phép đã làm tê liệt Sân bay Quốc tế Hong Kong trong hai ngày liên tiếp, khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy. Các vụ ẩu đả nổ ra khi những người biểu tình quá khích chắn ngang lối đi trong nhà ga chính, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp để lập lại trật tự. Hôm 14/8, các chuyến bay ra khỏi Hong Kong được nối lại khi có lệnh của tòa án nhằm hạn chế các cuộc biểu tình tại đây. Tuy nhiên, các công ty vẫn cảnh giác với những sự cố gián đoạn tiếp theo.
Theo China Daily, giới chức Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ làn sóng biểu tình mới nhất, gọi đây là dấu hiệu đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố. Tân Hoa Xã dẫn lời Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định rằng biểu tình bạo lực đang đẩy Hong Kong vào một “con đường không thể quay trở lại”.
Xem video biểu tình biến thành bạo lực ở Hong Kong hôm 11/8 (Nguồn: CNA):
Phản ứng trước những bất ổn kéo dài, thị trường chứng khoán Hong Kong đã rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Cổ phiếu của quỹ IShares MSCI Hong Kong – vốn theo dõi sát chứng khoán Hong Kong - đã giảm 10% trong 6 tháng qua, và hiện thấp hơn 16% so với mức cao gần đây vào đầu tháng 4/2019.
Trong khi đó, các quan chức Hong Kong cảnh báo rằng căng thẳng kéo dài có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế của trung tâm tài chính này. Hong Kong - nơi có bảy công ty toàn cầu trong danh sách Fortune 500, bao gồm cả “người khổng lồ” công nghệ Lenovo - đã tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 2009 trong quý 1 năm nay.
“Một sự leo thang tiếp theo sẽ kích hoạt ‘chảy máu vốn’… và thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến suy thoái kinh tế sâu sắc”, Julian Evans-Pritchard, Nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economist, đưa ra nhận định trong một lưu ý với khách hàng vào ngày 14/8.
Các nhà bán lẻ toàn cầu lao đao
Đầu mùa hè này, nhà sản xuất mỹ phẩm Bonjour Holdings có trụ sở tại Hong Kong đã cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm, với lý do bất ổn ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh. Các thương hiệu xa xỉ toàn cầu như Prada, Hugo Boss, Gucci, Cartier... đều cho biết làn sóng biểu tình đã làm giảm mạnh doanh thu bán hàng ở Hong Kong do họ phải đóng cửa hàng và lượng khách du lịch đến giảm hẳn.
Nhà bán lẻ mỹ phẩm L’Occitane hứng chịu thất bại nặng nề hơn cả ở Hong Kong. Doanh số bán hàng tại thị trường lớn thứ tư của công ty này giảm tới 19% trong quý trước.
“Hong Kong đang bị thách thức”, Phó chủ tịch của L’Occitane, Andre Hoffmann, nói về báo cáo doanh thu gần đây nhất của công ty. “Chúng tôi đã mất nhiều ngày bán hàng trong quý do các cuộc biểu tình. Khách du lịch Trung Quốc Đại lục vốn chi tiêu mạnh tại các cửa hàng của chúng tôi đã giảm xuống - tất cả trở thành một thứ ‘coctail’ tồi tệ cho hoạt động kinh doanh”.
Sân bay Quốc tế Hong Kong, phi trường bận rộn thứ tám trên thế giới, đã xử lý hơn 400.000 chuyến bay và 75 triệu hành khách trong năm 2018. Các quan chức hữu quan cho biết chỉ riêng trung tâm quá cảnh đã đóng góp 5% vào GDP của Hong Kong.
Mới tuần trước, Cathay Pacific, hãng hàng không hàng đầu Hong Kong, đã báo cáo thu nhập tốt hơn mong đợi ở quý 1. Tuy nhiên, công ty lưu ý rằng các cuộc biểu tình đã cản trở lượng hành khách vào tháng 7 và sẽ ảnh hưởng xấu đến việc đặt vé bay trong thời gian tới. Cổ phiếu của Cathay Pacific đã giảm hơn 7% chỉ trong vài ngày giao dịch, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Kinh doanh khách sạn chịu sức ép
Tâm lý lo ngại cũng đang đổ lên các lĩnh vực khác của ngành du lịch. Một số nhà điều hành khách sạn lớn đã trình bày chi tiết với giới đầu tư về tình trạng bất ổn liên tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Du lịch đến Hong Kong, đặc biệt là từ Trung Quốc Đại lục, đã giảm mạnh trong hai tháng qua, làm giảm doanh thu khách sạn. Tỷ lệ phòng có khách đã giảm 20% trong tháng 6 so với một năm trước đó và dự kiến giảm 40% trong tháng 7.
Các tập đoàn khách sạn toàn cầu như Hilton Worldwide, Hyatt và InterContinental Hotels đều lưu ý tác động tiêu cực của các cuộc biểu tình đối với doanh thu của họ.
IHG, tập đoàn khách sạn lớn thứ ba thế giới, đã thể hiện sự vượt trội ở thị trường Trung Quốc Đại lục. Nhưng ở Hong Kong, doanh thu trên mỗi phòng trung bình của họ giảm 0,4% trong nửa đầu năm, một phần do bất ổn đang diễn ra, trái ngược với mức tăng 5% ở Macau (Trung Quốc).
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Marriott International, Arne Sorenson, nói rằng thị trường Hong Kong hoạt động khá tốt trong quý 2, nhưng không thể lạc quan trong nửa cuối năm nay.
"Rõ ràng, những gì xảy ra trên đường phố không phải là một dấu hiệu tích cực cho việc đi du lịch tới thị trường đó”, ông Sorenson phát biểu hôm 6/8. “Tôi ngờ rằng chúng ta sẽ chứng kiến hoạt động ở Hong Kong suy giảm (trong quý 3 này)".
Giám đốc điều hành của Hyatt, Mark Hoplamazian thì cho biết họ cũng dự đoán sẽ có sự sụt giảm doanh thu trong quý này, do nhu cầu du lịch Trung Quốc giảm nhẹ.
Với nhiều vòng biểu tình dự kiến còn tiếp diễn, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác đang phòng tính cho kịch bản sụp đổ tiếp theo bởi các cuộc đụng độ bạo lực. Chẳng hạn, tập đoàn Disney cho biết các chuyến thăm công viên Disneyland tại Hong Kong có thể bị ảnh hưởng.
Cú giáng nghiêm trọng vào đầu tư nước ngoài
Lĩnh vực tài chính là một ngành công nghiệp quan trọng ở Hong Kong cũng cảm thấy khó khăn trước tình cảnh hiện nay. Các cuộc biểu tình đang gây thêm cơn đau đầu cho HSBC, tập đoàn kiểm soát khoảng 30% thị trường ngân hàng Hong Kong. CEO John Flint gần đây đã từ chức chỉ sau 18 tháng làm việc và ngân hàng đang lên kế hoạch sa thải đáng kể nhân viên.
Giám đốc tài chính của HSBC Ewen Stevenson tuần trước cảnh báo rằng một sự leo thang hơn nữa có thể đánh vào lợi nhuận của ngân hàng.
Các giám đốc điều hành tại các ngân hàng đầu tư của Mỹ cũng đang dự tính các bước tiếp theo, bao gồm cả khả năng cho phép nhân viên làm việc từ xa. Citigroup, nơi tự hào có tới 4.500 nhân viên ở Hong Kong, đã tạm thời đóng cửa một số chi nhánh trong vài tháng qua như một biện pháp phòng ngừa. Goldman Sachs, với 1.500 nhân viên tại Hong Kong, cũng đang thực hiện các kế hoạch dự phòng.
“Đây là một đòn giáng rất nghiêm trọng vào năng lực cạnh tranh lâu dài của Hong Kong - với tư cách là một trung tâm kinh tế-tài chính quốc tế, là điểm đến của các công ty dịch vụ tài chính nước ngoài” - ông Stephen Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley châu Á và là cố vấn cao cấp Đại học Yale (Mỹ), đánh giá.