“Hôm nay, theo một phần của biện pháp liên minh trong nhóm lực lượng khu vực Nga - Belarus, các đơn vị pháo binh của lữ đoàn cơ giới độc lập số 11 đã sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ được giao”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Belarus cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi quan chức Bộ Ngoại giao Nga Aleksey Polishchuk cảnh báo rằng Belarus có thể tham gia cuộc xung đột Ukraine nếu nước này hoặc Nga bị xâm chiếm.
Nhận định về các kịch bản có thể xảy ra khi Belarus tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine, ông Polishchuk đã đề cập đến học thuyết quân sự mới nhất của Nhà nước Liên minh. Theo đó, nỗ lực sử dụng vũ lực chống lại 1 trong 2 thành viên của liên minh sẽ là được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ Nhà nước Liên minh. Ông cho biết các thành viên đã cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có bất kỳ hành vi xâm chiếm nào từ bên ngoài, chống lại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
“Từ góc độ pháp lý, việc chính quyền Ukraine sử dụng vũ lực quân sự hoặc lực lượng vũ trang Ukraine xâm chiếm lãnh thổ Belarus hoặc Nga là đủ cơ sở để có phản ứng tập thể”, ông Polishchuk nhấn mạnh. “Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị và quân sự của hai quốc gia sẽ quyết định có phản ứng hay không và bằng cách nào”.
Theo Polishchuk, ngoài tham gia vào chiến dịch quân sự, liên minh Nga – Belarus còn có khả năng đưa ra các hình thức hỗ trợ khác, chủ yếu là hợp tác quân sự và kỹ thuật. Theo ông, đó là hình thức có khả năng nhất giữa Moskva và Minsk.
“Các quốc gia cung cấp vũ khí và linh kiện để sản xuất phần cứng quân sự cho nhau, hợp tác trong các vấn đề bảo vệ biên giới và tăng cường khả năng chiến đấu của hệ thống phòng không chung Nga - Belarus.
Tổng thống Lukashenko đã nhiều lần cảnh báo Belarus sẽ trả đũa trong trong trường hợp Ukraine tấn công Minsk hoặc bất kỳ hành động khiêu khích nào khác. Họ có quyền bảo vệ lãnh thổ bằng mọi cách có sẵn và Minsk có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ đầy đủ của Nga ở đây”, nhà ngoại giao Nga giải thích.
Trước đó, ngày 10/10/2022, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết nước này và Nga đang triển khai một nhóm lực lượng chung trong khu vực, chủ yếu bao gồm các binh sĩ Belarus. Tuyên bố trên được đưa ra được đưa ra trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi tình hình ở khu vực biên giới phía Tây của Nhà nước Liên minh Nga - Belarus leo thang căng thẳng.
Đến ngày 15/10/2022, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết các chuyến tàu đầu tiên chở binh sĩ Nga đã đến nước này theo thỏa thuận triển khai lực lượng chung. Bộ Quốc phòng Belarus xác nhận khoảng 9.000 binh sĩ, 170 xe tăng, 200 phương tiện chiến đấu bọc thép, 100 khẩu pháo và súng cối sẽ được Nga triển khai tới nước này theo một phần của lực lượng liên minh.
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Lukashenko vào ngày 19/12/2022 tại thủ đô của Belarus, Tổng thống Putin tuyên bố rằng Moskva và Minsk sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung và triển khai các đợt huấn luyện chiến đấu khác, bao gồm đào tạo một phần của nhóm lực lượng chung.
Đầu tháng 1/2023, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết hai nước vẫn đang triển khai các biện pháp để tiếp tục tăng cường nhóm lực lượng chung. Theo đó, các binh sĩ đã sẵn sàng hoàn thành các mục tiêu bảo vệ Nhà nước Liên minh Nga - Belarus.
Về phần mình, hôm 11/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này phải sẵn sàng ở biên giới với Belarus dù chưa có động thái gì ở đó ngoài những tuyên bố.
Belarus là một đồng minh thân cận của Nga. Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ Belarus trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tuy nhiên, nước này từ chối điều động lực lượng quân đội tới nước láng giềng tham chiến.