Trong thông báo ngày 29/11, hãng BioNTech (Đức) cho biết đã bắt đầu cùng với đối tác Pfizer (Mỹ) nghiên cứu bào chế một loại vaccine có thể chống lại biến thể Omicron. Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng Moderna (Mỹ) Stephane Bancel cho hay hãng phải mất vài tháng mới có thể bàn giao một loại vaccine chống Omicron.
J&J cũng đang tiến hành nghiên cứu đưa ra một loại vaccine có tác dụng tương tự, đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả của vaccine do hãng này phát triển trong việc ngăn chặn loại biến thể vừa phát hiện ở miền Nam châu Phi này. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của J&J Mathai Mammen cho biết hãng sẽ đẩy nhanh tiến độ để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng nếu cần thiết.
Trước đó cùng ngày 29/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức "rất cao", có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh. Trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi tới 194 nước thành viên, WHO kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những nhóm ưu tiên cao và đảm bảo chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tác động nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, Giám đốc điều hành của hãng Pfizer Albert Bourla cùng ngày cho biết hãng dự kiến sản xuất 80 triệu liều thuốc kháng virus điều trị COVID-19, tăng so với mức 50 triệu liều theo kế hoạch ban đầu. Theo ông Bourla, Pfizer tin rằng loại thuốc kháng virus do hãng này phát triển với tên thương mại là Paxlovid sẽ vẫn có tác dụng điều trị ngay cả với những người nhiễm biến thể Omicron.
Tuần trước, Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Paxlovid sau khi công bố dữ liệu cho thấy thuốc này có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 lên đến 89%. Hồi đầu tháng 11 này, hãng thông báo kế hoạch sản xuất 180.000 liều Paxlovid vào cuối năm nay và tăng lên ít nhất 50 triệu liều vào cuối năm 2022, trong đó có 21 triệu liều trong nửa đầu năm.