Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change ngày 30/8, do các nhà nghiên cứu của Đại học Melbourne (Australia) thực hiện, cho thấy các sự kiện mực nước dâng tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan (ESL), thường xảy ra một lần trong 100 năm, có thể xảy ra hằng năm từ cuối thế kỷ này ngay cả khi mức tăng nhiệt độ toàn cầu được giới hạn ở 1,5 - 2 độ C.
Tiến sĩ Ebru Kirezci, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong khi đa phần địa cầu bị tác động của việc nước biển dâng lên, nhiều nước ở phía Nam Bán cầu sẽ phải chịu những tác động nặng nề nhất. Đối với Australia, nơi đa số dân sống ở ven biển, các tác động này sẽ đặc biệt khủng khiếp.
Tiến sĩ Kirezci viết: “Điều chúng tôi cũng có thể suy luận sau nghiên cứu này là hầu hết các vùng duyên hải miền Đông, Nam và Tây Nam Australia sẽ bị tác động với tần suất gần như hằng năm của tình trạng nước biển dâng, từ nay đến năm 2100”.
Tất cả các thành phố lớn của Australia, trừ thủ đô Canberra nằm sâu trong lục địa, đều nằm ở ven biển và hơn 80% dân số sống ở các vùng duyên hải. Theo Tiến sĩ Kirezci, nước biển dâng cao có thể buộc người dân Australia phải sơ tản khỏi vùng bờ biển. Theo ông, đắp đê và xây tường ngăn biển, lùi sâu hơn vào đất liền, và triển khai các hệ thống cảnh báo sớm là một số bước có thể được áp dụng để thích nghi với sự thay đổi này.
Bên cạnh đó, hiện tượng ESL có thể đe dọa cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay và cầu cảng ở các trung tâm đô thị duyên hải của Australia.
Nghiên cứu trên nêu rõ: “Ngay cả khi không có các tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu gây sóng lớn và bão, chỉ riêng việc nước biển dâng đã có thể làm gia tăng lụt lội và xói mòn ở khu vực ven biển”. Tiến sĩ Kirezci hy vọng nghiên cứu trên sẽ khiến các chính phủ và nhà hoạch định chính sách thấy được tính cấp bách của vấn đề và có các biện pháp tăng cường bảo vệ vùng duyên hải và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu tại đây.