Theo đài BBC (Anh), tại khu trượt tuyết Ruka, Phần Lan, tuyết bắt đầu tan vào tháng 4. Đến đầu tháng 5, 22 chiếc ghế cáp treo tại khu nghỉ dưỡng này phải tạm dừng hoạt động. Giống như mọi năm, 41 con đường mòn sẽ chuyển sang màu xanh lục, ngọn đồi này bỗng trở thành điểm đến cho những người đi bộ đường dài và xe đạp địa hình mà không phải cho những người đến để trượt tuyết.
Năm trong số những con đường mòn này đã được sử dụng làm nơi lưu trữ các ụ tuyết phủ những tấm phủ trắng. Mỗi ụ tuyết này chứa khoảng 30.000 m3 tuyết. Chúng được bảo quản ở đây trong suốt mùa hè. Đến tháng 10, số tuyết này sẽ được đưa vào sử dụng. Theo ước tính dựa trên những năm qua, khoảng 80 đến 90% lượng tuyết vẫn được đảm bảo, đủ để trải rộng hơn 3 hoặc 4 sườn đồi và công viên tuyết.
Đối với một khu nghỉ dưỡng ở độ cao thấp Ruka, nơi không đạt tới 500m, phương pháp lưu trữ tuyết này không chỉ thuận tiện mà còn giúp đang thay đổi cuộc chơi - đặc biệt là vào đầu mùa trượt tuyết, khi cả tuyết và nhiệt độ đều có thể thay đổi khi Trái Đất nóng lên.
Bà Antti Karava, Giám đốc điều hành của Ruka và Pyha, cho biết: “Khoảng 10 năm trước, chúng tôi có thể đảm bảo điều kiện tuyết tốt từ đầu tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Giờ đây, với biện pháp lưuu trữ tuyết này, chúng tôi có thể đảm bảo điều kiện trượt tuyết tốt từ đầu tháng 10 đến tuần thứ hai của tháng 5”.
Khi mùa đông ngày càng ấm lên và lượng tuyết rơi trở nên khó dự đoán hơn, hàng chục khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên khắp thế giới đang chuyển sang sử dụng các biến thể của kỹ thuật được gọi là “nuôi trồng” hay “lưu trữ tuyết”.
Theo phương pháp này, tuyết trong mùa đông sẽ được tích lại, phủ lớp cách nhiệt và bảo quản trong suốt mùa hè. Vào mùa thu, trước thời điểm khai mạc mùa trượt tuyết hoặc sự kiện như cuộc đua trượt tuyết, tuyết sẽ được vận chuyển đến nơi cần thiết.
Ở một khía cạnh nào đó, phương pháp này hiệu quả hơn các phương pháp tạo tuyết truyền thống và có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả khu nghỉ dưỡng như Ruka và nền kinh tế địa phương.
Du khách sẽ không trượt tuyết trong kỳ nghỉ nếu phụ thuộc vào lượng tuyết phủ tự nhiên và các cuộc đua trượt tuyết lớn thu hút hàng nghìn khách du lịch có thể phải hủy bỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc các khu nghỉ dưỡng đang phải chuyển sang sử dụng các công nghệ như lưu trữ tuyết cũng cho thấy một lỗ hổng thực sự với lượng khí thải carbon trong hoạt động trượt tuyết.
Việc tuyết có thể được lưu trữ quanh năm có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng thực tế phương pháp này đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước. Ví dụ, trước khi có tủ lạnh, con người trữ đá và tuyết dưới lòng đất vào mùa hè để giữ mát thực phẩm. Trong những thập kỷ gần đây, khi ngành trượt tuyết thử nghiệm các cách bảo quản tuyết để phục vụ các sự kiện vào mùa thu hoặc đầu mùa đông, các khu nghỉ dưỡng đã gom tuyết lại, sau đó phủ lên các đống tuyết bằng vật liệu hữu cơ như mùn cưa, gỗ vụn hoặc rơm. . Những phương pháp này có thể mang lại hiệu quả đáng ngạc nhiên: Một bài báo nghiên cứu cho thấy chúng có thể bảo toàn được từ 72-85% khối lượng tuyết trong mùa hè.
Ông Fabian Wolfsperger, Giám đốc Phòng thí nghiệm thể thao trên tuyết tại Viện nghiên cứu tuyết và tuyết lở của Thụy Sĩ, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nó giống như một ngôi nhà. Có thể có một ngôi nhà ấm áp ngay cả trong điều kiện Bắc Cực nếu cách nhiệt tốt. Ngược lại, với lượng tuyết lớn, có thể bảo quản tuyết khỏi nhiệt độ xung quanh nếu cách nhiệt tốt”.
Tuy nhiên, ngày nay công nghệ đã tiến bộ hơn rất nhiều. Ví dụ, hệ thống của Công ty Phần Lan Snow Secure bao gồm tấm phủ polystyrene màu trắng, dày 50 hoặc 70 mm, được thiết kế theo hình dạng chính xác của các ụ tuyết. Theo thử nghiệm, hệ thống này hoạt động ngay cả ở nhiệt độ nóng nhất. Trong suốt tuần tháng 6/2023 tại Vihti, Phần Lan, các phép đo nhiệt độ được lấy từ phần trên của tấm phủ tuyết cho thấy nhiệt độ tối đa là 44 độ C. Dưới tấm phủ này, nhiệt độ đạt tối đa 2,5 độ C.
Tuy nhiên, chi phí để lưu trữ tuyết bằng phương pháp này khá tốn kém. Theo giới chức, để có đủ tuyết bao phủ toàn bộ sườn đồi thì phải tốn vài trăm nghìn euro. Đây là một khoản đầu tư lớn: trong hơn 10 năm, chi phí bảo quản tuyết ở mức gần 1 euro/m3.
Ngoài ra còn có chi phí môi trường, mặc dù khoản tiền này có thể ít hơn so với phương pháp mà nhiều khu nghỉ dưỡng hiện nay sử dụng để bảo đảm có đủ lượng tuyết phủ.
Nhiều khu nghỉ dưỡng phụ thuộc vào tuyết nhân tạo. Nhưng lượng tuyết có thể tạo ra còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Khi có sự kết hợp của nhiệt độ lạnh, không khí khô và gió nhẹ, quá trình này sẽ hiệu quả nhất.
Bà Karava cho biết với biện pháp lưu trữ tuyết mới, các khu nghỉ dưỡng như Ruka có thể tập trung vào những thời điểm hiệu quả nhất để tạo tuyết, chẳng hạn như vào tháng 1.
Nhưng ông Wolfsperger cảnh báo biện pháp này vẫn là một quá trình đòi hỏi năng lượng. Trên thực tế, ông nói rằng việc lưu trữ tuyết thậm chí có thể cần năng lượng gấp 2 hoặc 3 lần so với làm tuyết truyền thống, do cần phải phân phối tuyết.
“Rõ ràng là có dấu chấn carbon. Chừng nào những cỗ máy tạo tuyết còn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thì phương pháp này còn tạo thêm dấu chân carbon”, Wolfsperger nói.
Còn tại Ruka, bà Karava lưu ý những cỗ máy này chạy bằng dầu diesel tái tạo, giúp cắt giảm khoảng 90% lượng khí thải carbon trong quy trình.
Tại các khu nghỉ dưỡng trên cao, tuyết đang có xu hướng rơi muộn hơn. Tại đỉnh Weissfluhjoch cao 2.700m ở Davos, nơi ôngWolfsperger sinh sống, tuyết rơi nhiều vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, có tương đối ít người đến trượt tuyết vào mùa xuân.
Trong khi đó, tại Ruka, bà Karava không thể hạnh phúc hơn với quyết định thử nghiệm công nghệ lưu trữ tuyết này.
“Du khách đều biết khi nào khu nghỉ dưỡng của chúng tôi sẽ mở cửa trở lại: ngày 4/10/2024. Đó là bởi vì họ đã biết chúng tôi sẽ có tuyết”, bà nói.