Phát biểu khai mạc hội nghị qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou cảnh báo tình hình nghiêm trọng tại Mali có liên quan đến an ninh của khu vực. Ông Issoufou lưu ý cuộc đảo chính gần đây của Mali vào năm 2012 đã khiến các tổ chức tội phạm và khủng bố kiểm soát 2/3 lãnh thổ nước này chỉ trong vài tuần.
Trước đó, ECOWAS đã lên án cuộc binh biến ở Mali và tuyên bố sẽ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, trong đó có trừng phạt tài chính. ECOWAS cũng yêu cầu các bên liên quan ở Mali ưu tiên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời hối thúc các binh sĩ lập tức quay trở lại doanh trại. ECOWAS khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự Hiến pháp ở Mali.
Các tổ chức Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp... đều lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu phe đối lập thả những lãnh đạo bị bắt giữ.
Ngày 18/8 vừa qua, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Trong khi đó, nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Phong trào đối lập M5-RFP phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Đại tá quân đội Mali Assimi Goita ngày 19/8 đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, trong khi phát ngôn viên của CNSP Ismael Wague Mali đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và cảnh báo chống lại các hành động phá hoại.
Phong trào đối lập M5-RFP ngày 19/8 tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị.