Google, Facebook và Twitter đang chuẩn bị cho một thách thức chưa từng xảy ra mà họ có thể phải đối mặt vào tối bầu cử 3/11: Không rõ ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Theo tờ Fortune, một lượng lớn cử tri dự kiến bỏ phiếu qua thư vì một phần không muốn mạo hiểm đến nơi công cộng và đông người đối mặt với nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tất cả các lá phiếu có được đếm kịp vào đêm công bố kết quả hay không.
Bất kỳ sự chậm trễ hay khó khăn nào cũng có thể dẫn tới kết quả bầu cử công bố chậm từ vài ngày cho đến vài tuần, từ đó cho phép các thông tin sai lệch về bầu cử và người chiến thắng lan truyền nhanh.
Ba nền tảng công nghệ là Google, Facebook và Twitter sẽ chịu áp lực gia tăng trong việc kiểm soát thông tin sai lệch - tình trạng mà trong các cuộc bầu cử trước đây, cả ba vẫn chật vật để xử lý.
Từ lâu, các chính trị gia, ban chiến dịch, diễn viên nước ngoài và thậm chí cả người dùng bình thường quen sử dụng các nền tảng xã hội này để tuyên truyền những thông tin sai sự thật về các ứng cử viên.
Để giảm bớt tình trạng trên, gần đây cả ba công ty đã thông báo những chính sách mới nhằm triệt để xóa bỏ các thông tin sai lệch về kết quả bầu cử sắp tới.
Google
Google đang hướng tới việc cung cấp cho người dùng thông tin nhanh chóng đáng tin cậy về kết quả bầu cử với sự trợ giúp từ các đối tác.
Gã khổng lồ tìm kiếm này có kế hoạch phổ biến thông tin từ các đối tác như hãng tin AP hay tổ chức phi lợi nhuận Democracy Works lên đầu trang kết quả tìm kiếm. Google cũng cho biết họ sẽ có các biện pháp bảo vệ để đảm bảo các thông tin sớm về kết quả bầu cử sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
Trả lời giới phóng viên ngày 10/9, ông David Graff - Giám đốc cấp cao về chính sách và tiêu chuẩn toàn cầu của Google - khẳng định: “Tôi cực kỳ tin tưởng đội ngũ của chúng tôi sẽ dùng thuật toán tốt nhất để xử lý vấn đề. Nếu một phần thông tin không được phép lọt qua, các chính sách của chúng tôi sẽ gỡ bỏ thông tin đó”.
Về mặt quảng cáo, Google cho biết họ đã ban hành chính sách cấm các nhà quảng cáo sử dụng những phương tiện truyền thông bị thao túng hoặc chỉnh sửa, những tuyên bố sai sự thật có thể khiến cử tri đánh mất niềm tin vào cuộc bầu cử và không tham gia bỏ phiếu. Google sẽ xóa bỏ bất kỳ quảng cáo nào vi phạm chính sách trên.
Facebook
Mới đây, Facebook đã đưa ra một chính sách mới nhằm xử lý các tuyên bố sai sự thật về chiến thắng của các ứng viên.
Tuần trước, Giám đốc điều hành Facebook ông Mark Zuckerberg thông báo công ty này đang hợp tác với hãng tin Reuters của Anh và Liên hiệp các hãng tin tức Mỹ (NEP) nhằm cung cấp thông tin chính xác về kết quả bầu cử. Thông tin này sẽ được công bố trong Trung tâm Thông tin Bỏ phiếu trên Facebook. Mạng xã hội này cũng lên kế hoạch chủ động thông báo cho người dùng khi có kết quả bầu cử.
Nếu bất kỳ ứng viên hoặc ban vận động chiến dịch nào tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả được xác định, Facebook sẽ gắn dán nhãn thông báo cho người dùng cuộc bầu cử vẫn chưa được kết thúc.
Tuy nhiên, Facebook vẫn chưa công bố cách thức xử lý các bài đăng của người dùng phát tán thông tin sai lệch về kết quả bầu cử. Họ cho biết vẫn đang hoàn thiện chi tiết những quy định.
Twitter
Ngày 10/9, Twitter thông báo đã cập nhật lại các quy tắc để bảo vệ người dùng trên nền tảng khỏi hành vi đàn áp cử tri và bị tác động bởi thông tin sai lệch.
Đại diện Twitter cho biết sẽ dán nhãn hoặc xóa những thông tin sai lệch gây ra sự mập mờ về luật cũng như các tuyên bố gây tranh cãi chẳng hạn như thông tin chưa được xác minh về kiểm đếm phiếu bầu hoặc về gian lận bầu cử. Quyết định dẫn đến việc bài đăng bị xóa, dán nhãn hoặc bị giảm tương tác sẽ phụ thuộc vào mức độ sai lệch nội dung cụ thể và liệu nó có khả năng gây ra tác hại lớn hay không.