FED đã công bố dữ liệu trên hôm 16/3, con số này vượt mức kỷ lục được thiết lập trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các ngân hàng đã vay 152,85 tỷ USD bằng cách sử dụng cửa sổ chiết khấu (discount window) của FED – cung cấp khoản vay lên tới 90 ngày. Cửa sổ chiết khấu sẽ giúp giúp các tổ chức nhận tiền gửi quản lý rủi ro thanh khoản một cách hiệu quả và tránh các hành động gây hậu quả tiêu cực cho khách hàng của họ.
Các ngân hàng cũng đã vay thêm 11,9 tỷ USD thông qua Chương trình tài trợ có kỳ hạn mới của FED có hiệu lực từ 12/3 cung cấp các khoản vay thời hạn cả năm.
Theo tạp chí Wall Street Journal (Mỹ), đây là số tiền kỷ lục so với tuần trước khi các ngân hàng vay 4,58 tỷ USD. Hãng tin Bloomberg sau khi phân tích dữ liệu FED cho biết con số này cũng phát vỡ kỷ lục vay theo tuần là 111 tỷ USD trong khủng hoảng tài chính 2008.
FED không nêu tên các nhà băng đã vay, nhưng những ngân hàng lớn nhất của Mỹ không bộc lộ dấu hiệu nào cho thấy họ có vấn đề về khả năng thanh toán. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tuần này nhấn mạnh: “Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn”.
Các ngân hàng lớn được quản lý chặt chẽ và kiểm soát lượng lớn tài khoản có số tiền gửi khác nhau, trong khi những ngân hàng khu vực như SVB thường dựa vào các tài khoản có số dư cao-khiến chúng dễ rơi vào tình cảnh bị rút tiền hàng loạt nếu khách hàng cảm thấy có vấn đề.
SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - vào ngày 10/3 tuyên bố phá sản chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền do lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng này. Vụ việc đã làm chao đảo ngành tài chính, đặc biệt là các ngân hàng khu vực ít được biết đến tương tự như SVB.
Tiếp đó, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Ngân hàng Signature (Signature Bank) bị đóng cửa vào ngày 13/3. Signature là ngân hàng thương mại thành lập từ năm 2001, có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ). Đây là ngân hàng lớn thứ ba phải đóng cửa trong lịch sử nước Mỹ. Giới chức Mỹ đã vào cuộc để củng cố mảng tiền gửi tại SVB và Signature Bank nhằm khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu các bước đầu tiên trong quá trình điều tra vụ SVB sụp đổ.
Ngân hàng First Republic có trụ sở tại San Francisco dường như đang tiến tới vụ sụp đổ tiếp theo vào ngày 16/3 tuy nhiên các gã khổng lồ tài chính JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo mỗi đơn vị đã gửi 5 tỷ USD vào ngân hàng này. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết diễn biến này đã phản ánh “khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng”. Kế hoạch giải cứu đã đảo ngược tình trạng bán tháo cổ phiếu của First Republic.
Goldman Sachs cho biết ngân hàng này vẫn dự đoán FED sẽ công bố các đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7.