Động thái này được đánh giá là sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành ngân hàng nước Anh và là một báo hiệu cho sự chấm hết của thời kỳ các ngân hàng đóng ở mặt tiền các phố trung tâm.
Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) của Anh vừa thông báo kế hoạch đóng cửa 259 chi nhánh. Ảnh: sky.com |
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các ngân hàng “mặt phố” hiện đang vấp
phải sự cạnh tranh lớn của các ngân hàng mới thành lập. Đây là những
ngân hàng không mở các chi nhánh và tập trung phát triển ngân hàng kỹ
thuật số, tức là thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Người phát ngôn của RBS cho hay kể từ năm 2014 đến nay, số lượng khách hàng giao dịch tại các chi nhánh đã giảm 40%, trong khi số giao dịch qua điện thoại di động tăng 73%. Trên 5 triệu khách hàng sử dụng các ứng dụng ngân hàng di động và chỉ có 1 trên 5 khách hàng giao dịch tại quầy.
Giám đốc điều hành RBS, Ross McEwan đã nhiều lần nhắc tới việc thúc đẩy sự phát triển của nghiệp vụ ngân hàng trực tuyến và qua điện thoại di động, trong một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Trong báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 2/2017, RBS thừa nhận ngân hàng đã thua lỗ suốt 10 năm qua.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng 9 tháng trở lại đây, ngân hàng quốc doanh lớn của Anh này công bố kế hoạch cắt giảm chi nhánh. Hồi tháng 3/2017, RBS đã thông báo đóng cửa 158 chi nhánh, sau khi đã đóng 191 chi nhánh trong 2 năm trước.
Unite the union, hiệp hội công đoàn lớn nhất của Anh, cho hay 1.000 việc làm có nguy cơ bị cắt giảm, mặc dù RBS đã thông báo con số này là khoảng 0 việc làm. Nhiều nhân viên ngân hàng sẽ bị mất việc làm và hàng trăm tuyến phố chính sẽ không còn sự hiện diện của các chi nhánh ngân hàng.
Theo tập đoàn tiêu dùng Which, các ngân hàng ở Anh đã đóng cửa 1.000 chi nhánh ở mặt tiền các con phố chính trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ 1/2015 đến 1/2017, trong đó dẫn đầu là ngân hàng HSBC. Trong tuần này, ngân hàng Lloyds Banking Group cũng đã công bố đóng cửa 49 chi nhánh trên toàn hệ thống.