Tài chính là lĩnh vực đem đến nguồn thu thuế lớn nhất cho nước Anh, khi đóng góp cho ngân khố quốc gia trên 70 tỷ bảng (91 tỷ USD) mỗi năm và EU là khách hàng lớn nhất của lĩnh vực này.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Anh, Nicky Morgan nói London là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới và cần phải giữ vững vị thế này. Ủy ban Tài chính Anh ngày 25/1 cho biết sẽ cân nhắc những gì cần ưu tiên của nước này khi thương lượng về các mối quan hệ thương mại với EU và các nước khác trong tương lai.
Những người ủng hộ Brexit nói rằng việc nước Anh rời khỏi EU là cơ hội để giảm bớt các quy định và duy trì vị thế của City of London là trung tâm tài chính toàn cầu. Trong khi đó, các nhà chức trách Anh muốn nước này tiếp tục tuân thủ các quy định của EU và bác bỏ việc nới lỏng quy định, cảnh bảo điều này có thể sẽ gây ra khủng hoảng tài chính.
Nước Anh cần đạt được thỏa thuận với EU để tránh việc các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các nhà quản lý tài sản và các sàn giao dịch ở nước Anh phải mở các trung tâm mới tại EU để phục vụ các khách hàng châu Âu khi nước Anh ra khỏi khối vào ngày 29/3 tới.
EU cho rằng lĩnh vực tài chính của nước Anh đối mặt với một hệ thống tiếp cận thị trường chắp vá và thiếu ổn định như các nước khác ngoài EU như Mỹ và Nhật Bản.
Ông Miles Celic, Giám đốc điều hành TheCityUK (tổ chức xúc tiến các dịch vụ tài chính của nước Anh ở nước ngoài), cho biết lĩnh vực này không mong muốn sự thay đổi đối với các quy định hiện nay. Theo ông, các quy định chất lượng và tiêu chuẩn cao là lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Ủy ban Tài chính Anh sẽ đưa các kiến nghị lên chính phủ và các cơ quan giám sát ngành tài chính.