Đài BBC (Anh) cho biết đây là lễ đăng quang nhà vua đầu tiên của Thái Lan trong 69 năm qua và dự kiến thu hút sự quan tâm đặc biệt từ người dân, dư luận trong và ngoài nước.
Giáo sư Tongthong Chandransu tại Đại học Chulalongkorn chia sẻ: “Đây là sự kiện đặc biệt, người dân Thái Lan cảm nhận được lịch sử lâu đời, văn hóa đậm nét và mối quan hệ gắn kết giữa Hoàng gia với người dân”.
Xã hội Thái Lan được hình thành và bao đời phát triển dọc bờ các dòng sông, đem lại nguồn gạo và cá dồi dào. Do vậy, các nghi lễ truyền thống đều xoay quanh nước.
Nhiều tuần trước lễ đăng quang, các quan chức thu thập nước từ hơn 100 nguồn khác nhau khắp đất nước Thái Lan trong khoảng thời gian từ 11 giờ 52 phút đến 12 giờ phút – được coi là giờ hoàng đạo trong lịch chiêm tinh Thái Lan.
Nước sông sau đó được làm lễ theo nghi thức đạo Phật tại các ngôi chùa trước khi được tập hợp tại một lễ cúng tại ngôi chùa cổ nhất Bangkok Wat Suthat. Từ đây, các bình nước này trở thành nước thiêng sử dụng trong nghi lễ tại Hoàng Cung. Việc sử dụng nước thiêng dựa trên truyền thống đạo Bà la môn có từ nhiều thế kỷ.
Đầu tiên là trong nghi thức tắm thanh tẩy Nhà vua. Nghi lễ thứ hai nước thiêng được sử dụng để xức lên cơ thể nhà vua. Nhà vua sẽ mặc lễ phục và ngồi trên ngai vàng. Có 8 người rót nước lên tay Nhà vua trong đó có Công chúa Maha Chakri Sirindhorn và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Tiếp đó, Nhà vua bước đến bên vương miện Bhadrapitha, được tạo ra dưới thời Vua Rama I vào năm 1782, nặng 7,3 kg và làm bằng vàng, đính kim cương. Nhà vua sẽ nhận 5 bảo vật Hoàng gia biểu tượng cho vương quyền. Sau lễ đăng quang, Nhà vua Vajiralongkorn sẽ ban bố sắc lệnh hoàng gia đầu tiên.
Nhà vua sẽ di chuyển tới Hoàng Cung dự nghi thức riêng. Nữ giới trong hoàng tộc hộ tống Nhà vua và họ đem theo mèo, gà trống trắng, cối xay đá, khay đựng bầu xanh, thóc, hạt đậu, hạt vừng. Những loại hạt này đại diện cho sự phong phú, màu mỡ trong nông nghiệp Thái Lan. Nhà vua sau đó nhận chiếc chìa khóa vàng.
Những ngày sau nghi lễ chính trong lễ đăng quang, Nhà vua sẽ dự đám rước tại Bangkok, xuất hiện trên ban công cung điện để thần dân thể hiện lòng tôn kính.