Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Mỹ, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, mới đây đã lên tiếng cảnh báo trước các nghị sĩ rằng Mỹ cần phải tiếp tục đe dọa áp các thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc trong nhiều năm, kể cả khi hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại, như một phần trong cơ chế thực thi, bao gồm việc đánh giá thường xuyên liệu Trung Quốc có tuân thủ thỏa thuận hay không.
Cảnh báo này đã chứng thực điều mà nhiều công ty đã nhận thấy. Giai đoạn nóng nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã qua, song những căng thẳng vẫn tồn tại và tiếp diễn để tái định hình quan hệ kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ Steve Lamar cho biết các nhà sản xuất quần áo và giày dép Mỹ đã chuyển hoạt động sang các nhà máy của họ ở các thị trường khác như Việt Nam, Indonesia và Ai Cập trong gần một thập kỷ qua, nói rằng quá trình di chuyển hoạt động đang được đẩy nhanh do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và bán lẻ lớn sẽ phải mất nhiều năm để có thể xây dựng mạng lưới nguồn cung mới. Nhiều công ty đã hoãn tăng giá để bù đắp cho các mức thuế, với hy vọng thuế sẽ được dỡ bỏ.
Các doanh nghiệp và tập đoàn thương mại nói với hãng tin Reuters rằng khi rủi ro về thuế vẫn tồn tại, thì ngày càng có nhiều công ty thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động và chấp nhận xung đột thương mại với Trung Quốc như một thực tế của cuộc sống. Một công ty vốn đã chuyển một phần hoạt động ra khỏi Trung Quốc là nhà sản xuất máy hút bụi Bissell Inc. Giám đốc điều hành công ty này, Mark Bissell, cho biết Bissell Inc. dự kiến chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, Malaysia và Mexico vào cuối năm nay.
Phó Chủ tịch phụ trách các hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, Jacob Parker, cho rằng ngay cả khi một thỏa thuận thương mại đạt được, những tuyên bố về thuế sẽ tiếp tục khiến chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ được chuyển ra khỏi Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cũng có thể xem xét lại quan hệ với các công ty Mỹ.