Theo Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, tàu vũ trụ Thần Châu-13 với các phi hành gia Trác Chí Cương, Vương Á Bình và Diệp Quang Phú đã đáp xuống Khu tự trị Nội Mông sáng 16/4, kết thúc sứ mệnh kéo dài nhất của một phi hành đoàn Trung Quốc trên vũ trụ từ trước đến nay.
Các nhà du hành trên bắt đầu sứ mệnh từ tháng 10/2021. Tàu Thần Châu-13 được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi tại miền Bắc Trung Quốc đưa các nhà du hành này lên Trạm vũ trụ Thiên Cung làm việc trong 6 tháng qua. Trong đó, nhà du hành Trác Chí Cương - phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian (năm 2008) - chỉ huy phi hành đoàn này. Nhà du hành Vương Á Bình là nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung, đồng thời là nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đi bộ ngoài không gian (vào tháng 11/2021), khi bà cùng đồng nghiệp có 6 giờ lắp đặt thiết bị cho trạm Thiên Cung.
Đây là phi hành đoàn thứ 2 trong 4 phi hành đoàn được đưa lên lắp đặt Trạm vũ trụ Thiên Cung trong thời gian từ năm 2021-2022. Sứ mệnh trên Trạm vũ trụ Thiên Cung của tổ phi hành gia thứ hai này lâu gấp đôi so với sứ mệnh của tổ phi hành gia thứ nhất (92 ngày).
Trong sứ mệnh này, 3 nhà du hành đã hoàn thành 2 chuyến đi bộ ngoài không gian, thực hiện nhiều thí nghiệm, lắp đặt các thiết bị và thử nghiệm công nghệ cho các nhiệm vụ trong tương lai, trong đó gần nhất là kế hoạch phóng tàu Thần Châu-14 dự kiến sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung vào tháng 4/2021. Sau khi hoàn thành, trạm không gian này sẽ hoạt động ở độ cao từ 400 - 450km so với bề mặt Trái Đất và có thể hoạt động ổn định trong thời gian 10 năm. Theo kế hoạch, thời gian trung bình cho một chuyến công tác của các phi hành gia trên trạm Thiên Cung là 6 tháng.