Di tích nói trên là một con đường bộ và kênh đào 2.000 năm tuổi, được tìm thấy trong bùn đất vào tháng 7 vừa qua gần khu vực phía Đông thành phố Nijmegen. Di tích này nằm gần một khu di tích mới được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới. Tuy nhiên, do được phát hiện sau khi UNESCO công nhận di sản mới này, di tích đường bộ và kênh đào nói trên không nằm trong di sản này.
Việc phát hiện được di tích trên vượt mong đợi của giới khảo cổ trước đó chỉ hy vọng có thể tìm thấy một di tích nhỏ trong quá trình đào đất đắp đê hiện đang trong quá trình gia cố để phòng chống lũ sau trận lũ lụt hồi tháng 7 vừa qua gây thiệt hại nặng nề ở một số nước châu Âu, trong đó có Hà Lan, Đức và Bỉ.
Theo các nhà khảo cổ, di tích này có giá trị nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ cuộc sống của người dân vùng biên giới phía Bắc của Đế chế La Mã dọc theo sông Rhine.
Chủ nhiệm dự án khảo cổ Eric Norde nhấn mạnh đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy một con đường bộ chính thời Đế chế La mã nối từ thành phố Nijmegen tới khu vực phía Tây Hà Lan và tới biên giới phía Bắc của Đế chế La Mã.
Theo ông Norde, con đường cổ được tìm thấy rất rộng, còn nguyên lớp phủ sỏi, sẽ giúp các nhà khảo cổ hiểu thêm về mạng lưới đường bộ khoảng 2.000 năm trước đây. Trong khi đó, kênh đào có chiều rộng lên tới 10m có lẽ là tuyến đường thủy nối thành phố với sông và được sử dụng để vận chuyển binh sĩ, vật tư và vật liệu xây dựng,...
Các nhà khảo cổ đang cố gắng tìm hiểu di tích mới được tìm thấy trước khi nó bị phá hủy do công tác cải tạo đê. Tuy nhiên, họ ước tính con đường cổ dài tới 60 km và kênh đào dài tới 20km nằm an toàn sâu dưới lòng đất 1,5 km, do đó di tích mới tìm thấy chỉ là một phần nhỏ và trong tương lai sẽ khai quật được thêm nhiều phần di tích khác ở đây.