Phát biểu với báo giới ngày 11/2, nhà khoa học Paul McKay cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một loại vaccine chống virus corona chủng mới từ những con vi khuẩn, và sau đó đã tiêm loại vaccine này vào chuột. Chúng tôi hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thể xác định tác động của vaccine này đối với những con chuột thí nghiệm, cụ thể là trong máu của chúng và phản ứng kháng thể của chúng với virus corona chủng mới".
Nước Anh hiện đã ghi nhận 8 trường hợp dương tính với chủng mới của virus corona, đồng thời buộc phải đóng cửa hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở thành phố Brighton (Đông Nam nước này) sau khi ít nhất hai nhân viên làm việc tại đây bị nhiễm virus trong quá trình làm việc.
Thử nghiệm trên động vật là bước bắt buộc đối với bất kỳ loại vaccine nào trước khi dùng cho cộng đồng. Các cơ quan quản lý y tế phải đảm bảo rằng vaccine có đủ độ an toàn và hiệu quả trước khi cho phép sản xuất hàng loạt.
Theo ông Paul McKay, Đại học Hoàng gia London hy vọng vào cuối năm nay, sẽ có một loại vaccine thử nghiệm khả thi phù hợp để sử dụng cho mọi người.
Phần lớn các công tác nghiên cứu đang được triển khai trên thế giới nhằm chống lại sự lây lan của virus corona chủng mới đang được Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) tài trợ. Tổ chức này được thành lập tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 để giúp các công ty dược phẩm và các trường đại học phối hợp các nỗ lực đẩy lùi và phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã thử nghiệm một loại vaccine chống chủng mới của virus corona trên động vật.
Vaccine được thử nghiệm mang tên "mRNA", do các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cùng Đại học Y khoa Tongji (thành phố Thượng Hải) và công ty Stermirna Therapeutics Co., Ltd đồng phát triển. Các mẫu vaccine này đã được tiêm vào hơn 100 con chuột trong ngày 9/2 vừa qua, tức là hai tuần sau khi CDC lần đầu tiên thông báo phân lập thành công chủng mới của virus corona (ngày 24/1).