Trang smithsonianmag.com đưa tin loài rắn mới trên các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian’s (Mỹ) cùng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát hiện trong khuôn khổ dự án chung khám phá sự đa dạng của hệ sinh vật tại Việt Nam.
Từ giữa năm 2019 đến nay, nhóm nghiên cứu đã dành nhiều đêm dài băng đèo vượt suối để tìm và ghi chép thông tin về những loài rắn và ếch trong các cánh rừng rậm. Một buổi tối khi đang trên đường đến điểm khảo sát, nhóm nhà khoa học hai nước đã tìm thấy một con rắn lạ ở bên đường. Nó màu sẫm, có lớp vảy nhỏ óng ánh và đặc biệt là không xếp lên nhau như các loài rắn khác, còn đôi mắt thì không có các thụ thể quang ánh sáng. Các chuyên gia lập tức khẳng định đây là một loài rắn mới.
Loài rắn mới được đặt tên là "Achalinus Zugorum" nhằm vinh danh ông George Zug, chuyên gia về loài lưỡng cư và bò sát đã nghỉ hưu tại Viện Smithsonian’s, cùng vợ ông là bà Patricia Zug.
Trưởng nhóm nghiên cứu Aryeh Miller chia sẻ: “Đó là một khoảnh khắc thực sự thú vị. Con vật trông rất khác lạ. Trên thực tế, nó khác lạ đến mức chúng tôi khó có thể xác định ngay nó là con gì".
Bài viết trên tạp chí Copeia cho biết các nhà khoa học nhận định đây là một loài rắn đào hang, song có hình dáng và sự vận động không giống các loài rắn khác. Điều này có thể giúp ích cho các nhà khoa học khi thu thập dữ liệu về sự tiến hóa của loài rắn.
Các nhà khoa học không nắm được nhiều thông tin về hành vi của Achalinus Zugorum. Tuy nhiên, dựa trên đặc điểm hình dạng bên ngoài, họ cho rằng con vật thường sống dưới mặt đất hoặc lẩn trốn dưới lá cây. Con vật này thuộc họ rắn hang rất hiếm gặp. Chúng đã tách nhánh khỏi "cây phát sinh chủng loài" (evolutionary tree) sớm hơn hầu hết các họ rắn khác. Do vậy, hình dạng và hành vi của nó không giống như nhiều loài rắn khác.
Các nhà nghiên cứu đã mang mẫu vật rắn "Achalinus Zugorum" về Bảo tàng Smithsonian để lấy mẫu và giải mã DNA của con rắn, cũng như để đưa vào kho lưu trữ sinh học. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ sớm gửi mẫu vật về Việt Nam để lập danh mục và đưa vào danh sách bảo tồn đa dạng sinh học đối với loài rắn quí hiếm này.