“NORSAR đã phân tích tín hiệu địa chấn từ các trạm địa chấn khu vực. Dữ liệu từ các trạm địa chấn cho thấy tín hiệu rõ ràng vào lúc 2h54 sáng 6/6 (giờ địa phương). Thời gian và địa điểm trùng khớp với các thông tin trên phương tiện truyền thông về sự cố vỡ đập Nova Kakhovka. Các dấu hiệu cho thấy một vụ nổ đã xảy ra”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của NORSAR cho biết.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học Na Uy cũng đã thu thập được tín hiệu yếu từ một sự kiện địa chấn trước đó vào khoảng 2h35 sáng (giờ địa phương) bắt nguồn từ hướng của con đập Nova Kakhovka.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết vệ tinh trang bị cảm biến hồng ngoại của nước này đã phát hiện tín hiệu nhiệt phù hợp với một vụ nổ lớn trước khi đập nhà máy thủy điện Kakhovka vỡ. Song các cơ quan tình báo Mỹ chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cho thấy bên nào chịu trách nhiệm trong vụ vỡ đập.
Nga đã cáo buộc Quân đội Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa vào đập thuỷ điện Kakhovka, phá huỷ các cửa van cống tại đập, khiến hàng tỷ mét khối nước đổ xuống hạ lưu sông Dnieper. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov mô tả vụ tấn công vào đập Nova Kakhovka là hành động phá hoại có chủ đích của lực lượng Ukraine, đồng thời nói thêm rằng chính quyền Kiev phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả sự việc.
Trong khi đó, Trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Mykhaylo Podolyak cáo buộc lực lượng Nga phá hủy đập để “gây trở ngại cho cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine”.
Đập Nova Kakhovka trên sông Dnieper, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị vỡ ngày 6/6, khiến nước trong hồ chứa tràn xuống hạ lưu, nhấn chìm nhiều khu dân cư, làng mạc và một số khu vực đô thị ven sông.
Hồ Kakhovka có sức chứa khoảng 18 tỷ m3 nước, cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kênh đào Crimea.
Việc phá hủy nhà máy thủy điện đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về môi trường ở các vùng đất canh tác dọc theo sông Dnieper. Ngoài ra, có nguy cơ Kênh đào Bắc Crimea có thể cạn kiệt sau vụ vỡ đập.