Trong bài phát biểu từ thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau. Ông cũng cảnh báo rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang gây ra tình trạng mất đoàn kết và chia rẽ.
Trong khi đó, phát biểu từ thủ đô Viêng Chăn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt và cấm vận về kinh tế “sẽ không giúp thế giới của chúng ta trở thành nơi tốt hơn”. Nhà lãnh đạo Lào cho rằng hòa bình và ổn định “chỉ có thể đạt được thông qua thương lượng và thỏa hiệp”.
Ông khẳng định việc giữ vai trò trung lập là “giá trị cốt lõi trong chính sách đối ngoại” của Lào. Liên quan tới triển vọng của châu Á, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào cho rằng “khu vực châu Á đang tiến lên trên con đường phát triển toàn diện” chưa từng thấy và khu vực châu Á không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này.
Về vấn đề thương mại, trong bài phát biểu được ghi hình sẵn gửi hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi nhanh chóng thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Ông nhấn mạnh thỏa thuận này đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy và lạm phát do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của nhiều nước châu Á, vốn đang nỗ lực phục hồi khỏi những tác động của dịch COVID-19.
Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “RCEP, đã được ký kết hai năm trước, cần được thực thi ngay lập tức để tăng cường sự hội nhập kinh tế cùng có lợi”. Ông khẳng định việc thực thi RCEP có thể giúp thương mại khu vực tăng trưởng thêm 10% trong 5 năm tới và đóng góp thêm 187 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.
Trong khi đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết nước này đang tìm kiếm các hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số quốc gia và để ngỏ khả năng đàm phán về FTA và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản.
Ngoài các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo châu Á, tại ngày làm việc thứ hai của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các chủ đề an ninh kinh tế và sự chia rẽ ở châu Á do xung đột ở Ukraine và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á là một diễn đàn quốc tế có uy tín do hãng Nikkei Inc. tổ chức gần như thường niên từ năm 1995 (ngoại trừ năm 2020 không tổ chức do dịch COVID-19). Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, với chủ đề “Tái định hình vai trò của châu Á trong một thế giới bị chia rẽ”.