Việc thúc đẩy mức trần giá khí đốt đã chia rẽ các nước EU, khi 15 quốc gia ủng hộ động thái trên đang tranh cãi với một nhóm nhỏ hơn các quốc gia thành viên EU, bao gồm Đức - nền kinh tế lớn nhất khối, vốn phản đối sáng kiến này.
Việc đưa ra một tuyên bố về mức trần giá khí đốt tại cuộc họp ở Praha, CH Czech (Séc) vào ngày 7/10 tới vẫn đang được đàm phán, và Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét về “đề xuất các giải pháp khả thi để giảm giá khí đốt thông qua mức trần giá". Đề xuất này là một trong số các biện pháp tiềm năng trong nỗ lực của EC nhằm giảm chi phí năng lượng cho người dân châu Âu trước mùa Đông năm nay, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá cả tăng vọt.
Giá điện và khí đốt tại châu Âu tăng cao do Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt sang “Lục địa già”, khiến lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng vọt lên 10% vào tháng trước.
Đức đã lập luận chống lại việc áp mức trần giá nhập khẩu khí đốt vì sợ điều đó sẽ hạn chế nguồn cung cần thiết khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và một số nước khác đến châu Âu.
Berlin cũng “châm ngòi” sự quan ngại ở nhiều nước EU khác bằng việc tung ra kế hoạch cứu trợ trị giá 200 tỷ euro (195 tỷ USD) để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp Đức vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Việc Đức sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để giúp người dân, trong khi lại phản đối sáng kiến toàn khối về mức trần giá khí đốt đã bị các nước không có khả năng tài chính mạnh "kêu ca" là không thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia thành viên EU.