Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbai Jeenbekov đánh giá rằng hệ thống LHQ là "công cụ quan trọng nhất" để giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhấn mạnh rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy thế giới kết nối với nhau như thế nào. Ông nói: "Kyrgyzstan đã giảm thiểu được sự lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19, vốn gây thiệt hại nặng nề cho nước này, đó là nhờ một phần không nhỏ từ sự hỗ trợ của LHQ và các đối tác quốc tế khác".
Cũng chung quan điểm này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bằng những "thuật ngữ công nghệ" mô tả LHQ như một "phần mềm" đã cứu thế giới thoát khỏi những sự cố được coi là nghiêm trọng nhất kể từ khi được thành lập.
Tổng thống Guyana, Irfaan Ali, đã cám ơn tổ chức toàn cầu này vì sự ủng hộ ý chí dân chủ của Guyana cũng như cam kết theo đuổi cải cách thể chế và hòa nhập chính trị nhằm đảm bảo dân chủ, pháp quyền và hiến pháp được bảo vệ. Ông Ali nhấn mạnh rằng mỗi nước, dù lớn hay nhỏ, đều có "lá phiếu bình đẳng" trong ĐHĐ LHQ và hệ thống LHQ là công cụ trong việc xóa đói giảm nghèo cũng như bảo vệ quyền con người. Đại dịch COVID-19 nổi lên là một thách thức lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế, khi nó đang đảo ngược những lợi ích về sức khỏe, nghèo đói và giáo dục. Hơn bao giờ hết, quyết tâm của LHQ đang là "phép thử", cho thấy không một nước riêng lẻ nào có thể vượt qua được những ảnh hưởng chưa từng có này. Ông khẳng định đặt niềm tin của đất nước vào tổ chức toàn cầu này là đảm bảo được tiếp cận công bằng và kịp thời với những công cụ phòng ngừa.
Tổng thống Liberia George Weah nói: "Không nghi ngờ gì, LHQ cho đến nay vẫn là một diễn đàn quan trọng nhất đối với hòa bình, giải pháp xung đột, ngăn chặn chiến tranh và giải quyết những tranh cãi giữa các quốc gia trên thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu của tất cả loài người thông qua nhiều tổ chức nhân đạo khác nhau".
Tổng thống Mông Cổ nhấn mạnh LHQ là "kết cấu tối ưu" của hợp tác đa phương. Quả thực, nó là một thành tựu vĩ đại khi các quốc gia trên thế giới đòan kết theo tinh thần Hiến chương LHQ, đặt ra để giải quyết những khác biệt và rào cản thông qua đàm phán và hợp tác.
Tổng thống LB Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga cho rằng hơn bao giờ hết, LHQ không thể thiếu trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới. Bà Sommaruga nói: "Tổ chức này là hiện thân của các nguyên tắc nhân quyền, phát triển bền vững và một thế giới pháp quyền. Chúng ta sẽ cùng nỗ lực tốt để đạt được các mục tiêu của LHQ, vì chúng không chỉ mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn".