Theo hãng tin Reuters, cuộc chạy đua rục rịch khởi động từ tháng trước, tương tự như những gì xảy ra vào đầu năm 2020, khi các công ty gấp rút sản xuất bộ dụng cụ chẩn đoán COVID-19, thu về lợi nhuận hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp thiết bị y tế.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá nhu cầu xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu đối với virus SARS-CoV-2, do virus gây bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cũng như không quá nguy hiểm. Bệnh đậu mùa khỉ thường lây truyền khi tiếp xúc gần và có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm cùng các tổn thương da mưng mủ. Người bệnh thường tự khỏi sau vài tuần.
Bên cạnh đó, không giống sự xuất hiện đột ngột của COVID-19, thế giới có vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm giúp nhanh chóng ngăn chặn được sự lây lan của virus gây đậu mùa khỉ.
Các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù lo ngại về bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia ngày càng tăng, song thị trường mới này sẽ không thể bù đắp cho việc doanh số các bộ xét nghiệm COVID-19 bị sụt giảm được dự đoán trước.
Nhà phân tích Emily Field của Barclays lấy nhà sản xuất thiết bị Roche làm ví dụ. Trong quý đầu tiên của năm 2022, Roche kiếm được 1,9 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 2 tỷ USD) từ việc bán các bộ xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, dự đoán lợi nhuận cả năm mặt hàng trên của công ty này chỉ rơi vào khoảng 3 tỷ franc Thụy Sĩ. “Sẽ rất khó để doanh thu từ bệnh đậu mùa khỉ có thể bù đắp khoản này”, bà Emily nhận định.
Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, tại 30 quốc gia trên thế giới ghi nhận trên 550 ca mắc đậu mùa khỉ. Phần lớn các ca được phát hiện tại châu Âu và không liên quan đến lịch trình đi lại châu Phi – nơi mà đậu mùa khỉ trở thành bệnh đặc hữu. Giới chức y tế nghi ngờ có sự lây lan cộng đồng đối với dịch bệnh ở một mức độ nào đó. Hiện vẫn chưa ghi nhận có ca mắc tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo số các ca mắc tiếp tục tăng. Người đứng đầu WHO châu Âu cảnh báo sự lây lan của dịch bệnh có thể gia tăng khi người dân tụ tập đông trong các bữa tiệc và lễ hội mùa hè.
Ông Daniel Bausch, giám đốc cấp cao tại liên minh chẩn đoán toàn cầu FIND, cho biết đối với bệnh đậu mùa khỉ, vẫn chưa cần hàng trăm nghìn bộ xét nghiệm như hồi COVID-19 mới xuất hiện.
“Bệnh này sẽ không trở thành COVID tiếp theo… nên tôi nghĩ nhu cầu cũng không quá lớn. Tôi không nghĩ nguồn cung các bộ xét nghiệm sẽ là vấn đề”, ông Daniel bày tỏ.
Một số quốc gia, bao gồm Thụy Sĩ và Hà Lan, ghi nhận một số ít ca mắc nói rằng hiện tại họ có đủ năng lực xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, Vương quốc Anh, nơi có gần 200 trường hợp được xác nhận, đang nỗ lực mở rộng sản suất.
Mặc dù các bộ xét nghiệm như của Roche vẫn chưa được các cơ quan quản lý cho phép sử dụng như một dụng cụ chẩn đoán y tế song chúng vẫn sẵn có cho mục đích nghiên cứu.
Trong khi đó, hơn chục công ty Trung Quốc, bao gồm công ty kỹ thuật Jiangsu Bioperfectus, cho hay họ đã được chứng nhận CE của Liên minh châu Âu về chất lượng dụng cụ xét nghiệm. Điều đó có nghĩa là những bộ dụng cụ đó tuân tủ luật pháp EU và có thể bán trong khu vực.
Virus đậu mùa khỉ là một phần trong dòng hộ virus orthopox gây ra bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa bò.
Theo WHO, xét nghiệm PCR là xét nghiệm tiêu chuẩn vàng để phát hiện bệnh đậu mùa khỉ, trong khi đối với việc xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể, kết quả dương tính ít thể hiện người đó đang mắc bệnh đậu mùa khỉ.
WHO cho biết chưa rõ liệu những người bị mắc bệnh và có triệu chứng có thể lây lan virus hay không, vì vậy không rõ liệu có cần xét nghiệm đề phòng các trường hợp nghi ngờ hay không. Do các trường hợp nghi ngờ được quy định cách ly trong tối đa 21 ngày, nên xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể hữu ích.
Hầu hết các nhà sản xuất thiết bị y tế đều tập trung vào việc phát triển các bộ xét nghiệm PCR trong khi một số công ty khác, bao gồm Tetracore, chú ý đến các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh đối với bệnh đậu mùa khỉ.