Kế hoạch viện trợ 3,85 tỷ USD trong năm nay cho Yemen, quốc gia đang đối mặt với tình cảnh mà LHQ miêu tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, chỉ được tài trợ một nửa trước khi diễn ra cuộc họp cấp cao của LHQ do Thụy Điển, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU) đồng tổ chức ngày 22/9. Các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Yemen, quốc gia bị chia cắt bởi chiến tranh kéo dài 7 năm qua, đã rơi vào tình trạng thiếu kinh phí đáng kể trong năm ngoái, khiến một số chương trình cứu trợ phải dừng lại và LHQ phải cảnh báo về nguy cơ nạn đói ngày càng gia tăng tại Yenen.
Hồi đầu năm nay đã có thêm nguồn quỹ phân bổ cho các chương trình lương thực, song điều này lại khiến các lĩnh vực khác thiếu kinh phí nghiêm trọng. Phát biểu tại cuộc họp, ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo đồng thời là cựu Đặc phái viên LHQ về Yemen, nói rằng "động thái trên đã giúp đẩy lùi nạn đói ở Yemen và kéo mọi người ra khỏi bờ vực của sự tuyệt vọng".
Các khoản cam kết bổ sung ngày 22/9 gồm có 291 triệu USD của Mỹ, 100 triệu USD của Qatar và 90 triệu USD từ Saudi Arabia - nước dẫn đầu Liên quân Arab chống lại lực lượng Houthi ở Yemen. Đại diện của Saudi Arabia cho biết nước này đã hỗ trợ hơn 18 tỷ USD kể từ khi cuộc xung đột Yemen bắt đầu. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), một bên tham gia Liên quân Arab, không thông báo các khoản cam kết quỹ bổ sung, song cho hay họ đã cấp 230 triệu USD trong năm nay và 6,3 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra ở Yemen.
Khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu ngoại tệ trầm trọng và khó khăn trong việc nhập khẩu lương thực đã đẩy giá cả các mặt hàng tăng vọt tại Yemen. Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), quốc gia Trung Đông này hiện có 2,3 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và 400.000 trẻ em có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nghiêm trọng.