Trong một tuyên bố chung, hội đồng lập pháp 4 nước Arab bày tỏ quan ngại về những thách thức an ninh, sự can thiệp từ nước ngoài và các vụ tấn công khủng bố mà Libya và các nước láng giềng phải đối mặt. Tuyên bố nêu rõ quốc hội 4 nước bác bỏ và chỉ trích việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép triển khai quân đội tới Libya nhằm hỗ trợ chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Tripoli. Tuyên bố nhấn mạnh động thái của Ankara là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền Libya cũng như sự thống nhất đất nước của quốc gia Bắc Phi này.
Quốc hội 4 nước bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với quyết định của Liên đoàn Arab (AL) bác bỏ mọi hành động can thiệp của nước ngoài vào tình hình Libya - lập trường được AL đưa ra trong cuộc họp khẩn hôm 3/1 tại trụ sở ở thủ đô Cairo của Ai Cập.
Tuyên bố tái khẳng định lập trường nhất quán của cả 4 nước, đó là phản đối mọi cuộc xâm lược vào bất cứ quốc gia Arab nào. Văn bản này cũng nêu rõ sự can thiệp từ nước ngoài sẽ làm gia tăng sức mạnh cho các phần tử khủng bố và làm suy yếu những nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị và hòa bình, đe dọa an ninh và sự ổn định ở các địa phương biên giới giáp với Libya và gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.
Quốc hội các nước Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Bahrain kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm ngăn chặn hành động can thiệp của nước ngoài mọi quốc gia Arab và thúc đẩy một giải pháp chính trị để duy trì ổn định và an ninh của các nước và người dân trong khu vực.
Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép triển khai quân đội tới Libya nhằm hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Tripoli. Dự luật mới quy định quân đội nước này được phép triển khai tới Libya trong trường hợp khẩn cấp với sứ mạng có thể kéo dài tới 1 năm. Động thái trên của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm cụ thể hoá thoả thuận hợp tác an ninh giữa Ankara và GNA được ký kết ngày 27/11/2019 vừa qua.
Libya đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lự lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Từ tháng 4/2019, LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli. Giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người thương vong, hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Trong mấy tuần gần đây, LNA đã đẩy mạnh tấn công các khu vực lân cận Tripoli. Tuần trước, GNA đã chính thức đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự.