Đầu tháng này, Bắc Macedonia - từng đi đầu trong thu hút các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo, thông báo ý định khai thác 2 mỏ than đá mới để cung cấp cho các trạm phát điện. Bộ Năng lượng Bắc Macedonia cũng cho biết muốn mua 3 triệu tấn than từ Kosovo, mặc dù chưa thỏa thuận nào về vấn đề này được ký kết.
Ông Vasko Kovacevsi, Giám đốc điều hành nhà máy điện Elektrani na Severna Makedonija (ESM), nói: "Ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng, không chỉ chúng tôi mà toàn bộ các nước ở châu Âu đã lập tức tăng sản xuất điện từ than đá do nhiên liệu này rẻ nhất và là nguồn đảm bảo nhất".
Tuy nhiên, cả Chính phủ Bắc Macedonia và ESM chưa xác nhận khi nào khai thác mỏ mới hoặc thông báo về sản lượng khai thác.
Giá năng lượng trên thế giới leo thang do giá bán buôn tăng, lượng tồn kho thấp và cuộc xung đột ở Ukraine, buộc nhiều nước chật vật tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc các nước chuyển sang dùng than đá không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Ông Nevena Smilevska thuộc tổ chức môi trường Eko-svest ở Skopje nêu rõ: "Khử carbon là một trong những điểm chủ chốt của chương trình nghị sự Xanh. Do vậy, kế hoạch khai thác mỏ than đá là không thể chấp nhận được".
Theo kế hoạch ban đầu, Bắc Macedonia sẽ loại bỏ than đá vào năm 2027. Tuy nhiên, tháng 1 năm nay, nước này thông báo lùi thời điểm thực hiện mục tiêu trên tới năm 2030.
Còn Serbia thông báo tăng sản lượng than đá do lượng mưa không đủ để chạy các nhà máy thủy điện. Ngoài ra, Serbia thông báo sẽ nhập khẩu 500 tấn than đá/ngày từ Montenegro.
Trong khi đó, Bosnia, nước duy nhất ở vùng Balkan xuất khẩu điện, cho biết đã hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than do giá năng lượng tăng cao và tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.