Một nhóm quân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
|
Tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra bên lề kỳ họp Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ trong ngày 28/9, các nước đã ra nhiều tuyên bố đóng góp bao gồm trực thăng, các đơn vị kỹ thuật, bệnh viện dã chiến và chuyên gia rà phá bom mìn. Trung Quốc đi đầu với tuyên bố đưa 8.000 quân tham gia lực lượng cảnh sát gìn giữ hòa bình thường trực của tổ chức này. Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng cho biết sẽ cung cấp 100 triệu USD cho Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi. LHQ cũng nhận được cam kết hỗ trợ lần đầu tiên từ Colombia với 5.000 binh lính. Rwanda đề nghị gửi 2 trực thăng, 2 bệnh viện dã chiến, 1 đơn vị nữ cảnh sát và thêm 1.600 binh sỹ. Indonesia cũng mở rộng phần đóng góp của mình thêm 2.700 quân trong khi Ấn Độ cam kết bổ sung 850 binh sỹ.
Phát biểu trước lãnh đạo các nước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định các phái bộ gìn giữ hòa bình đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi các cuộc xung đột ngày càng nguy hiểm hơn. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, các chiến dịch hòa bình không phải giải pháp cho mọi vấn đề song vẫn là một trong những công cụ quan trọng của thế giới để đối phó với các cuộc xung đột vũ trang.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của LHQ. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh củng cố hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực tế là phục vụ lợi ích an ninh chung của thế giới và ông cam kết tăng gấp đôi số nhân viên Mỹ đang tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Hiện đóng góp nhân lực của Mỹ chỉ dừng ở mức 78 người, nhưng Washington vẫn là nhà tài trợ lớn nhất của các chiến dịch hòa bình, đóng góp 28% trong tổng số ngân sách 8,3 tỷ USD.
Hội nghị cũng nhận được nhiều đóng góp từ các nước Armenia, Phần Lan, Ghana, Mexico, Hàn Quốc, Sri Lanka, Việt Nam và Uganda. Tuy nhiên, cam kết từ các nước châu Âu tiếp tục ở mức khiêm tốn. Thủ tướng Anh David Cameron thông báo sẽ tăng cường 70 binh lính cho phái bộ Liên minh châu Phi - LHQ tại Somalia và tối đa 300 quân cho phái bộ LHQ tại Sudan.
Bangladesh, Ethiopia, Ấn Độ, Pakistan và Rwanda hiện là 5 quốc gia đóng góp nhiều nhất cho các chiến dịch hòa bình của LHQ.