Các nước châu Âu tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan 

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan mạnh tại châu Âu, các quốc gia ở khu vực này đang tăng cường hành động nhằm ngăn chặn dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 tại một khu chợ ở Sofia, Bulgaria ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đan Mạch ngày 17/3 đã công bố một loạt biện pháp kiềm chế dịch bệnh, bao gồm cấm các hoạt động tập trung từ 10 người trở lên từ 10h giờ địa phương ngày 18/3 và đóng cửa hầu hết các cửa hàng không thiết yếu như tiệm làm tóc, nhà hàng, quán bar... Các siêu thị và hiệu thuốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm kéo dài đến 30/3 này. Đan Mạch hiện ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tử vong. 

Tại Cyprus, chính quyền sẽ cấm hầu hết các chuyến bay chở khách đến hòn đảo du lịch này từ 28 quốc gia bao gồm cả Anh và Hy Lạp từ ngày 21/3 tới. Lệnh cấm này kéo dài 2 tuần. Tuy nhiên, chính quyền sẽ tổ chức các chuyến bay đưa người Cyprus mắc kẹt tại Anh và Hy Lạp về nước. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh tại Cyprus là 56 trường hợp, bao gồm cả vùng lãnh thổ phía Bắc. 

Tại Slovakia, các nghị sĩ nước này sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang và găng tay khi tham gia phiên họp Quốc hội đầu tiên vào ngày 20/3 tới kể từ sau cuộc bầu cử hồi tháng trước. Ngoài ra, trước khi vào phòng họp, các nghị sĩ cũng sẽ được kiểm tra thân nhiệt và phải khai báo chi tiết lịch trình đi lại hay có triệu chứng bệnh hay không. Hiện Slovakia có 97 ca nhiễm bệnh và chưa có trường hợp tử vong nào. 

Tại Bulgaria, giới chức nước này ngày 17/3 đã quyết định phong tỏa khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn nhất đất nước Bansko sau khi tại đây ghi nhận một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại các khách sạn ở Bansko hiện có 200 du khách và họ có 24 giờ để rời khỏi đây hoặc ở lại chịu cách ly. Thị trấn Bansko có 10.000 dân. Cho đến nay, Bulgaria ghi nhận tổng số 81 ca nhiễm bệnh, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa thông báo nước này tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) từ đêm 18/3 trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp ngoại lệ là những quốc gia có đông người Bồ Đào Nha sinh sống như Canada, Mỹ, Venezuela, Nam Phi và các nước nói tiếng Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha có 448 ca nhiễm bệnh bao gồm 1 trường hợp tử vong. 

Tây Ban Nha với hơn 11.000 ca nhiễm bệnh đang đề nghị Trung Quốc hỗ trợ trang thiết bị y tế để ngăn chặn dịch bệnh. Trung Quốc hiện đang đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuần trước, Trung Quốc đã cử các chuyên gia và gửi thiết bị y tế hỗ trợ Italy, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 sau Trung Quốc. Tây Ban Nha hiện đứng thứ 4 thế giới về số ca nhiễm bệnh với 11.178 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 491 ca tử vong.  

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào tuần tới sẽ được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến để tránh lây lan virus SARS-CoV-2. 

Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây tác động mạnh đến hoạt động kinh tế, nhất là ngành hàng không. Thụy Điển và Đan Mạch đã chung tay hỗ trợ hãng hàng không đa quốc gia SAS khi tuyên bố hỗ trợ hơn 275 triệu euro để bảo vệ hãng này trước những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Ngay sau đó, Na Uy cũng có động thái tương tự. SAS, hãng hàng không đa quốc gia của Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, hiện đang phải cho nghỉ việc tạm thời đối với khoảng 10.000 nhân viên, 90% tổng số lao động của hãng này. 

Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu kinh tế Thụy Sĩ (KOF) dự báo nền kinh tế nước này có thể sẽ rơi vào suy thoái vì đại dịch trong 6 tháng đầu năm khi cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm trong 2 quý đầu năm. Trong cả năm, Thụy Sĩ ước tính chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 0,3% so với mức dự kiến 1,8%. Trước đó, ngân hàng UBS cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 từ 1,1% xuống 0,7%, do tác động rõ rệt của dịch bệnh trong nửa đầu năm tài chính. Tuy nhiên, dự báo cho năm tới đã được nâng lên 1,4%, so với 1,3% trước đó.

Trần Quyên (TTXVN)
WHO kêu gọi châu Âu mạnh tay chống dịch COVID-19
WHO kêu gọi châu Âu mạnh tay chống dịch COVID-19

Ngày 17/3, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi tất cả các nước châu Âu, hiện là tâm dịch, cần mạnh tay hành động để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN