Theo các nguồn thạo tin, Moldova đang ứng cử chủ trì các cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP29 nhưng không muốn đăng cai sự kiện này. Serbia đang cân nhắc việc chủ trì và đăng cai COP29 nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định.
Trong khi đó, Azerbaijan ngày 7/12 xác nhận sẽ tham gia chạy đua đăng cai COP29 và đã nhận được sự ủng hộ của Armenia. Tuyên bố chung của hai nước nêu rõ động thái này là cử chỉ thiện chí nhằm thúc đẩy hòa giải giữa hai nước láng giềng.
Theo quy định, vị trí chủ tịch COP luân phiên giữa các khu vực trên thế giới và các quốc gia trong khu vực liên quan sẽ thống nhất nước đại diện đăng cai hội nghị.
Chủ tịch COP đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa gần 200 quốc gia tham gia hội nghị thường niên về khí hậu này. Nước Chủ tịch COP thường đảm nhiệm cả chủ trì đàm phán và đăng cai tổ chức sự kiện.
COP29 dự kiến diễn ra ở khu vực Đông Âu. Tuy nhiên căng thẳng địa chính trị khiến khu vực này chưa nhất trí được địa điểm tổ chức hội nghị. Hiện các nước đang gấp rút thảo luận để thống nhất ứng cử viên đăng cai COP29, trước khi COP28 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kết thúc vào ngày 12/12. Nếu các nước không thể chọn ra chủ tịch COP29, UAE có thể phải giữ vai trò này năm thứ hai liên tiếp. Trường hợp các quốc gia không chọn được nước chủ nhà, địa điểm tổ chức COP29 có thể quay trở lại Đức, nơi đặt trụ sở chính của Ban Thư ký khí hậu của Liên hợp quốc.