Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado công bố tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, trong đó khẳng định: "Chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia đang dư thừa vaccine hoặc đã tiêm chủng hết cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hãy thực hiện các biện pháp để những nguồn vaccine dôi dư này được phân phối một cách công bằng ngay lập tức".
Theo số liệu thống kê chính thức, trong số 1,3 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn thế giới, có tới hơn một nửa tập trung ở 5 quốc gia đang chiếm 50% GDP toàn cầu. Trong khi, các nước có mức thu nhập thấp đến nay mới chỉ nhận được tổng cộng 0,3% tổng lượng vaccine toàn cầu. Tuyên bố của lãnh đạo 6 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe nhấn mạnh rằng "sẽ không có ai được an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Chỉ có thể đối phó và phục hồi sau đại dịch khi vaccine ngừa COVID-19 đến tay tất cả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới".
Theo các nhà lãnh đạo, sự xuất hiện của các biến thể mới và nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2 càng cho thấy rõ rằng việc các quốc gia thực hiện các chiến dịch tiêm chủng riêng rẽ là chiến lược "không hiệu quả" để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.
Khu vực Mỹ Latinh hiện "quê hương" của 5 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tỷ lệ mắc mới tính trên 100.000 dân cao nhất thế giới trong 2 tuần qua, gồm: Uruguay, Argentina, Costa Rica, Paraguay và Colombia.
Trước đó, tại hội nghị thường niên các nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã đưa ra những lời kêu gọi tương tự đối với việc tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19.
Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngày 25/5, một quan chức Hong Kong (Trung Quốc) cho biết Đặc khu hành chính này có thể sẽ sớm phải hủy bỏ hàng triệu liều vaccine do hết hạn sử dụng và không còn người để tiêm.
Hong Kong là một trong số ít những nơi trên thế giới may mắn có nguồn vaccine đủ để tiêm cho toàn bộ dân số (khoảng 7,5 triệu người). Tuy nhiên, do những thông tin sai lệch trên mạng xã hội cùng việc không nhận thức được sự cấp thiết của vaccine, người dân ở đây, thậm chí là các nhân viên y tế, có tâm lý do dự không muốn đi tiêm. Thành viên của lực lượng phản ứng nhanh về vaccine của Hong Kong đã cảnh báo rằng tính đến ngày 25/5, người dân tại hòn đảo này "chỉ còn 3 tháng" trước khi vaccine Pfizer/BioNTech được tiếp nhận trong đợt đầu tiên, hết hạn sử dụng. Theo ông Thomas Tsang, một cựu kiểm soát viên của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe, tất cả các loại vaccine đều có hạn sử dụng và không thể dùng khi đã hết hạn. Dự kiến, các trung tâm tiêm chủng vaccine của Hong Kong sẽ ngừng hoạt động sau khi tháng 9.
Ông Tsang cho biết sẽ là không hợp lý khi Hong Kong đang "ngồi trên một đống vaccine" trong khi nhiều khu vực khác của thế giới "đang tranh giành vaccine".
Cho đến nay Hong Kong đã mua tổng cộng 7,5 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech do Mỹ và Đức bào chế cùng 7,5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ngoài ra, Hong Kong cũng đã đặt hàng trước 7,5 triệu liều vaccine AstraZeneca, nhưng đã hủy hợp đồng này hồi đầu năm với lý do dành ngân sách để mua các loại vaccine thế hệ thứ hai vào năm sau.