Các nước Nam Âu hoãn hội nghị thượng đỉnh do khủng hoảng tại Tây Ban Nha

Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades ngày 5/10 thông báo Hội nghị thượng đỉnh các nước Nam Âu (hay còn gọi là MED7) sẽ bị hoãn lại, trong bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay ở Tây Ban Nha.

Cảnh sát vùng Catalonia tuần tra tại thành phố Barcelona ngày 23/9. Ảnh: AFP/TTXVN

MED7 gồm 7 nước thuộc khu vực Nam Âu là Síp, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy, Malta và Tây Ban Nha. Theo thông báo của Tổng thống Anastasiades, hội nghị sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 12 thay vì trong hai ngày 9 và 10/10 tới như đã lên kế hoạch.

Trong một cuộc điện đàm chiều cùng ngày với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, ông Anastasiades bày tỏ CH Síp ủng hộ tuyệt đối "một nước Tây Ban Nha thống nhất" và phản đối ý đồ ly khai của Catalonia, đồng thời tán thành cách giải quyết tình hình của chính phủ Madrid, trong bối cảnh chính quyền khu vực tự trị Catalonia thông báo sẽ tuyên bố độc lập trong vài ngày tới.

Cũng trong ngày 5/10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra lệnh đình chỉ một phiên họp của cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia
dự kiến diễn ra vào ngày 9/10 tới, trong đó giới lãnh đạo Catalonia sẽ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy luôn kêu gọi Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont từ bỏ kế hoạch đơn phương tuyên bố độc lập nhằm “tránh tai họa lớn hơn”. Thủ tướng Rajoy cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Catalonia hiện nay là Catalonia phải nhanh chóng quay trở lại tình trạng hợp pháp và “sớm ra một tuyên bố rằng sẽ không có một tuyên bố độc lập đơn phương nào”.

Trước đó, ngày 1/10 vừa qua, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. 

Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI khẳng định cuộc trưng cầu ý dân nói trên là "trái phép và phi dân chủ", đồng thời cảnh báo "hành động vô trách nhiệm của lãnh đạo vùng Catalonia có thể gây nguy hại tới sự ổn định kinh tế và xã hội của vùng này cũng như của toàn Tây Ban Nha".
 
Hiện nhiều ngân hàng, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có trụ sở ở Catalonia, như ngân hàng Banco de Sabadell và CaixaBank hay công ty truyền thông Eurona..., đã thông báo kế hoạch rời trụ sở khỏi Catalonia. Điểm đến được các doanh nghiệp này lựa chọn là những thành phố bình yên hơn như Madrid hoặc Alicante.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Tây Ban Nha cũng đã làm sụt giảm mạnh giá trị của chỉ số chứng khoán quan trọng IBEX 35. Các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Fitch và Standard & Poor's cảnh báo sẽ hạ mức tín nhiệm đối với Catalonia, đồng nghĩa với việc khu vực này khó có thể vay tiền trực tiếp từ các thị trường tài chính và vẫn phải phụ thuộc vào các khoản vay từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

TTXVN/Báo Tin Tức
Tây Ban Nha không đối thoại nếu chính quyền Catalonia còn đòi độc lập
Tây Ban Nha không đối thoại nếu chính quyền Catalonia còn đòi độc lập

Ngày 4/10, Chính phủ Tây Ban Nha đã từ chối lời kêu gọi của Thủ hiến vùng tự trị Catalonia Carles Puigdemont về một bên thứ ba tham gia hòa giải liên quan đến yêu cầu độc lập trái phép của vùng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN