Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Nga đã phản ứng giận dữ với chính phủ Anh, đòi giải thích về việc các quan chức cấp cao của họ bị do thám và nghe lén tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 tại London.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Vụ việc xảy ra đúng lúc quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Anh đang không suôn sẻ. Ảnh: Internet |
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc chính phủ Anh nghe lén các cuộc điện thoại và giám sát máy tính của bộ trưởng tài chính nước này cùng 15 thành viên đoàn dự G20 là không thể chấp nhận được. Nếu được xác nhận, hoạt động nghe lén một đồng minh của NATO là “bê bối”.
Bộ này đã triệu tập riêng Đại sứ Anh tại thủ đô Ankara để “hứng” phản ứng giận dữ của Thổ Nhĩ Kỳ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã đọc tuyên bố chính thức phản đối vụ việc.
Bộ Ngoại giao Nam Phi cũng bày tỏ sự lo ngại: “Chúng tôi chưa có đầy đủ chi tiết về vụ này nhưng về nguyên tắc, chúng tôi sẽ chỉ trích lạm dụng quyền riêng tư và nhân quyền cơ bản, đặc biệt là nếu hành động này bắt nguồn từ những người tự xung là dân chủ”. Nam Phi cũng kêu gọi chính phủ Anh điều tra để làm rõ vụ việc.
Trong khi đó, người phát ngôn của ông Dmitry Medvedev – người là tổng thống Nga lúc dự G20 năm 2009, từ chối bình luận. Tuy nhiên, trên báo chí, các quan chức Nga cấp cao cho rằng vụ tiết lộ thông tin này đã làm sâu sắc thêm bất đồng giữa Nga và Mỹ. Ông Igor Morozov, nghị sĩ thuộc Hội đồng liên bang Nga cáo buộc chính quyền Mỹ không chân thành khi cải thiện quan hệ với Nga: “Năm 2009 là năm Mỹ-Nga tuyên bố tái thiết lập quan hệ. Cùng lúc đó, tình báo Mỹ lại nghe lén điện thoại của Tổng thống Dmitry Medvedev”.
Trước đó, tờ The Guardian đưa tin, Edward Snowden, người tiết lộ chương trình giám sát Internet tuyệt mật của Mỹ, đã cung cấp tài liệu mật cho thấy tình báo Anh theo chỉ thị của chính phủ đã giám sát và nghe lén điện thoại của mọi quan chức tham dự G20 năm 2009, đồng thời phối hợp với Mỹ về việc nghe lén điện thoại của người đứng đầu nước Nga bấy giờ.
Thùy Dương