Trước đó, EU khuyến nghị xúc tiến áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế thương mại và mở rộng danh sách cá nhân bị trừng phạt, thay vì áp dụng ngay lập tức mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga xuất khẩu qua đường biển đến các nước thứ ba, chủ yếu được các công ty châu Âu bảo hiểm.
Đại diện của 27 quốc gia thành viên EU đã thảo luận về đề xuất trên trong ngày 30/9 và đạt được sự đồng thuận ban đầu. Dự kiến, đề xuất này sẽ nhận được sự chấp thuận cuối cùng vào tuần tới.
Các nguồn tin cho biết 27 quốc gia thành viên EU cần nhất trí về gói trừng phạt và nếu vẫn còn bất đồng thì vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Praha (Séc) vào ngày 6-7/10.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 30/9 cũng cho biết đang khuyến nghị các quốc gia thành viên EU “đánh giá chặt chẽ hơn” các đơn xin thị thực du lịch của công dân Nga, đặc biệt là những trường hợp xin thị thực từ nước thứ ba.
Trong khi đó, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn đối với Nga nhằm vào hàng trăm cá nhân và công ty, kể cả tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà lập pháp Nga.
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 57 thực thể ở Nga và Crimea vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 người trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga, 2 lãnh đạo của ngân hàng trung ương Nga, thành viên gia đình của các quan chức hàng đầu và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga.
Cùng ngày, Canada tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp này ảnh hưởng đến 43 nhà tài phiệt Nga, giới tinh hoa tài chính và gia đình của họ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này đã trừng phạt Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina, áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh.
Bộ trên cho hay Anh cũng đã áp đặt các lệnh mới về cấm xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhằm vào "các lĩnh vực dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga".