Ngày 27/8, hội nghị thượng đỉnh các nước Tây Balkan đã khai mạc tại Vienna (Áo) với chủ đề thảo luận chính là giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Đức, nước đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và các nhà lãnh đạo khu vực Tây Balkan tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay trước khi hội nghị khai mạc, ngoại trưởng Serbia và Macedonia đã kêu gọi EU phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư này. Cả Serbia và Macedonia hiện đang là hai điểm quá cảnh chủ yếu của hàng chục nghìn người di cư tìm cách vào EU theo tuyến đường Tây Balkan. Mỗi ngày, khoảng 3.000 người di cư từ Hy Lạp tìm cách vượt biên giới vào Macedonia, khiến chính phủ nước này hồi tuần trước đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực trên. Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, khoảng 100.000 người di cư, chủ yếu đến từ Syria và các quốc gia xung đột ở Trung Đông đã vào Serbia để tìm cách trốn sang Hungary và khu vực tự do đi lại Schengen của EU.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, các nước Tây Balkan đang phải đối mặt với những thách thức to lớn liên quan tới vấn đề di cư, và trách nhiệm của EU là phải giúp đỡ các nước này.
Hội nghị diễn ra khi cảnh sát Áo cùng ngày xác nhận đã phát hiện hàng chục thi thể người di cư trong một chiếc xe tải trên một tuyến đường cao tốc ở Áo. Đây được xem là thảm kịch tồi tệ nhất liên quan tới người di cư ở Áo trong nhiều năm qua. Theo người phát ngôn cảnh sát Hans Peter Doskozil, số thi thể trong xe có thể lên tới 50, chiếc xe mang biển kiểm soát của Hungary đỗ trên con đường gần thị trấn Pandorf, bang miền Tây Burgenland, gần biên giới với Hungary. Hiện cả Áo và Hungary đang phối hợp điều tra vụ việc.
Trong khi đó, tại đất nước "cửa ngõ" để người di cư vào EU là Hungary, dù rất nỗ lực hoàn thiện bức tường rào ở biên giới với Serbia, dòng người di cư vẫn tiếp tục đổ về quốc gia này. Kỷ lục có tới 3.241 người, trong đó có 700 trẻ em, đã đến Hungary chỉ riêng trong ngày 26/8. Đa số những người di cư đều xuất phát từ Syria, Afghanistan hoặc Pakistan. Chính phủ Hungary đã cho xây dựng rào chắn cao 4 mét, dài 175km dọc biên giới với Serbia và thắt chặt các quy định về nhập cư từ ngày 1/8.
Liên quan tới vấn đề nhập cư, theo số liệu công bố ngày 27/8 của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS), số người nhập cư vào nước này trong vòng một năm qua, tính đến tháng 3/2015, đạt mức cao kỷ lục. Chênh lệch giữa số người đến và đi khỏi Anh khá lớn, lên tới 329.000 người, so với 236.000 người của năm trước đó.
Theo ONS, trong vòng 12 tháng, khoảng 636.000 người đã nhập cư vào Anh, tăng 84.000 người, trong khi chỉ có 307.000 người đi khỏi nước này, giảm 9.000 người so với mức kỷ lục trước đó, tính đến tháng 6/2005. Hiện lần đầu tiên số người nhập cư vào Anh vượt quá 8 triệu người. Điều này có nghĩa rằng cứ 8 người gốc Anh thì có một người nhập cư, tăng so với tỷ lệ 1/11 trong năm 2014. Đa số người xin tị nạn tại Anh đến từ các nước Eritrea, Pakistan và Syria.
Trong một diễn biến liên quan, giới chức Thụy Điển ngày 27/8 cho biết một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này, tham gia chiến dịch của Cơ quan biên giới của EU (Frontex), đang chở hơn 600 người di cư, trong đó có 52 thi thể, thu nhận từ các tàu, thuyền trôi dạt ở ngoài khơi Libya, về cảng ở Palermo (Italy). Dự kiến, tàu này sẽ cập cảng lúc 8 giờ tối địa phương (1 giờ sáng 28/8, giờ Việt Nam). Từ đầu năm đến nay, hơn 2.300 người đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biển Địa Trung Hải để vào châu Âu.