Đáp lại, Taliban đã nhất trí hợp tác với các nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực để giải quyết các mối đe dọa từ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang trỗi dậy ở Afghanistan.
Nga đã tổ chức Hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Moskva với sự tham gia của đại diện các nước Trung Quốc, Pakistan và đại diện chính quyền Taliban tại Afghanistan. Phái đoàn Taliban do Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Afghanistan Abdul Salam Hanafi dẫn đầu.
Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị, đại diện của 10 quốc gia tham dự đã bày tỏ quan ngại về hoạt động của các nhóm khủng bố, đồng thời "tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục thúc đẩy an ninh ở Afghanistan để góp phần vào ổn định khu vực". Các nước đồng thời kêu gọi Taliban "thực hiện các chính sách đối nội và đối ngoại ôn hòa và hợp lý, áp dụng các chính sách hữu nghị đối với các nước láng giềng của Afghanistan".
Về chính sách đối nội của Afghanistan, các nước trên kêu gọi Taliban "tôn trọng quyền của các nhóm người thiểu số, phụ nữ và trẻ em". Đại diện các nước cũng kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung để cung cấp viện trợ nhân đạo và kinh tế khẩn cấp cho người dân Afghanistan trong công cuộc tái thiết đất nước sau xung đột. Tuyên bố cũng kêu gọi sớm tổ chức hội nghị các tài trợ quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ). Trước đó tại hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi huy động viện trợ quốc tế nhằm hỗ trợ Afghanistan trong tình hình hiện nay. Theo ông, việc hỗ trợ này nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo và giảm dòng người dân di cư sang nước khác.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Afghanistan Salam Hanafi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận chính quyền mới tại nước này, cho rằng "việc cô lập Afghanistan không mang lại lợi ích cho bên nào. Điều này đã được chứng minh trong quá khứ". Tuy nhiên, đặc phái viên Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov cho rằng chính quyền mới ở Afghanistan chỉ được chính thức công nhận khi Taliban đáp ứng được các kỳ vọng về vấn đề quyền con người và xây dựng một chính phủ toàn diện.
Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn còn nhiều bất ổn kể từ sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền trở lại tại quốc gia Tây Nam Á này vào giữa tháng 8. Số vụ tấn công do các tay súng có quan hệ với IS tại Kabul và các tỉnh Kunduz ở miền Bắc, Nangarhar ở miền Đông đã gia tăng trong những tuần gần đây. Ngày 15/10 vừa qua, một vụ nổ đã xảy tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kandahar khiến 41 người thiệt mạng.