Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ tin tưởng rằng đây là cơ hội để ASEAN và Nhật Bản trao đổi quan điểm về chặng đường phía trước nhằm thúc đẩy Quan hệ Đối tác ASEAN-Nhật Bản vốn năng động và đạt được tiến bộ trên mọi phương diện.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết tại hội nghị, Thủ tướng Prayut đã trình bày đánh giá về Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản.
Theo Thủ tướng Prayut, ASEAN và Nhật Bản đã vun đắp tình hữu nghị và hợp tác trong gần 5 thập niên, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau cũng như quan hệ đối tác “từ trái tim đến trái tim” và bình đẳng. ASEAN đánh giá cao cam kết của Nhật Bản trong việc thúc đẩy hòa bình lâu dài, thịnh vượng chung và phát triển bền vững trong khu vực vì lợi ích của các dân tộc.
ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phối hợp trong lĩnh vực y tế cộng đồng và chuẩn bị tốt hơn cho khu vực trước các làn sóng lây nhiễm và khủng hoảng sức khỏe cũng như các bệnh mới nổi trong tương lai.
Việc Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và 50 triệu USD cho việc thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) cũng được đánh giá cao và ASEAN mong muốn Trung tâm sẽ sớm được thành lập và đi vào hoạt động.
Thủ tướng Prayut nói thêm rằng ASEAN coi trọng sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản đối với vai trò trung tâm của ASEAN, cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong nhiều khía cạnh khác nhau.
Về hợp tác chính trị và an ninh, ASEAN mong muốn tăng cường hợp tác với Nhật Bản thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong các lĩnh vực chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh hàng hải, cũng như thông qua Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng. ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy một môi trường tin cậy và tự tin có lợi cho sự phục hồi kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững, đặc biệt là thông qua hợp tác thiết thực và cùng có lợi, trên cơ sở các nguyên tắc trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Về hợp tác kinh tế, ASEAN tiếp tục là cơ sở đầu tư và sản xuất chính của Nhật Bản. Khu vực nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối chuỗi cung ứng khu vực và khả năng phục hồi, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào ASEAN như một liên kết chính để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản.
ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và mong tất cả các bên phê chuẩn đầy đủ Nghị định thư đầu tiên sửa đổi Hiệp định càng sớm càng tốt, hướng tới việc sớm có hiệu lực. ASEAN mong muốn hợp tác với Nhật Bản hướng tới việc thực hiện cụ thể Tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản về Kết nối, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 22, đặc biệt là về sự phối hợp giữa Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng của Nhật Bản phù hợp với Sáng kiến “Kết nối các kết nối” của ASEAN. ASEAN cũng khuyến khích sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản trong việc triển khai các hoạt động đóng góp vào các nỗ lực hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Kế hoạch Công tác Hội nhập ASEAN IV.
ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao và giao lưu nhân dân thông qua các chương trình khác nhau. Kết nối giữa người với người cũng cần được thúc đẩy, đặc biệt là giữa giới trẻ và tăng cường hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và giáo dục, cũng như chăm sóc người cao tuổi và quản lý các xã hội lão hóa.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ thông qua việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), và tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). ASEAN nhận được sự khích lệ từ tiến độ của các cuộc đàm phán thực chất hướng tới việc sớm ký kết một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời mong muốn các bên liên quan nối lại đối thoại hòa bình và tiếp tục làm việc hướng tới hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài trên một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Khu vực sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy bầu không khí có lợi cho đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan, bao gồm cả thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Prayut bày tỏ ý định của ASEAN tăng cường hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Nhật Bản vì an ninh, thịnh vượng và bền vững hơn. Việc kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản vào năm 2023 là dịp đặc biệt để hai bên cùng nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong 5 thập niên qua và vạch ra định hướng tương lai cho nửa thế kỷ tới.
ASEAN cũng đánh giá cao ý định của Nhật Bản về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Đặc biệt tại Nhật Bản vào năm 2023 nhân dịp này.